Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới quần thể danh thắng Tràng An – Ninh Bình

178

Cuối năm 2011, được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao), Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Viện Khảo cổ (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) nghiên cứu xây dựng hồ sơ đề nghị Ủy ban Di sản Thế giới (WHC) thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Thế giới (UNESCO)  công nhận Quần thể Danh thắng Tràng An là Di sản văn hóa-thiên nhiên Thế giới theo các tiêu chí về văn hóa (tiêu chí v), cảnh quan thẩm mỹ (tiêu chí vii) và địa chất-địa mạo (tiêu chí viii).

Cuối năm 2012, hồ sơ do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản chủ trì xây dựng và làm rõ các tiêu chí về thiên nhiên bao gồm: cảnh quan thẩm mỹ, địa chất -địa mạo và mối tương tác giữa các tiêu chí thiên nhiên và tiêu chí văn hóa đã được hoàn thành và đệ trình lên WHC. Giữa năm 2013, WHC đã cử chuyên gia quốc tế đến Quần thể Danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình để thẩm định hồ sơ. Cuối năm 2013, hồ sơ đã được hoàn thiện theo góp ý của các chuyên gia để trình chính thức lên WHC.

Ngày 23 tháng 06 năm 2014, tại phiên họp lần thứ 38 của UNESCO ở Doha, thủ đô của Qatar, theo đề nghị của Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình và được sự cho phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã cùng với đoàn Việt Nam bảo vệ hồ sơ trước Ủy ban Di sản Thế giới và Quần thể Danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình đã được công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới, qua đó trở thành Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới (Di sản hỗn hợp) đầu tiên của Việt Nam.

Trong những năm tới Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản dự kiến sẽ tiếp tục cộng tác với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và các địa phương có tiềm năng xây dựng hồ sơ di sản và phát triển mạng lưới công viên địa chất ở một số khu vực khác của Việt Nam.

II. Các tiêu chí văn hóa, cảnh quan thẩm mỹ, và địa chất-địa mạo

Nằm ở rìa nam châu thổ Sông Hồng, cách Hà Nội khoảng 90km về phía Đông Nam, thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình, Di sản văn hóa-thiên nhiên Thế giới Tràng An là một khu vực hòa quyện giữa thiên nhiên và văn hóa, bao gồm ba vùng được bảo vệ trong đó có hai di tích quốc gia đặc biệt là Cố Đô Hoa Lư và khu Danh thắng Tràng An-Tam Cốc-Bích Động; và khu Rừng Nguyên sinh Đặc dụng Hoa Lư. Toàn bộ khu vực Di sản chủ yếu là một khối đá vôi Tràng An hình quả soài, thể hiện một cảnh quan karst nhiệt đới, gió mùa ẩm trong những giai đoạn tiến hóa phát triển địa chất cuối cùng và có ý nghĩa toàn cầu. Cảnh quan Tràng An bao gồm nhiều loại đồi tháp ngoạn mục được bao quanh bởi hàng loạt các thung lũng và hố sụt kín có các đầm lầy rộng liên kết với nhau bởi một hệ thống sông suối ngầm là các dạng địa hình karst điển hình. Hình thành do kết quả tương tác của một số cấu trúc chính trên Trái đất, Tràng An đặc sắc ở chỗ, nơi đây đã bị biển xâm lấn, biến cải nhiều lần, hiện nay đã được nâng cao và trở thành đất liền. Quá trình phát triển địa hình lâu dài đã tạo ra những cảnh quan đẹp đầy ấn tượng – sự pha trộn giữa những ngọn núi dạng tháp có vách dốc đứng trong khu rừng nhiệt đới nguyên sinh, bao quanh những trũng, thung lớn, sâu chứa nước trong và tĩnh lặng thông với vô số các hang động và sông suối ngầm, nhiều sông có thể đi lại bằng thuyền. Vẻ hoang sơ mang lại cho du khách cảm giác thanh bình, gần gũi và an toàn. Các bằng chứng khảo cổ học cho thấy một chuỗi cư trú và sử dụng khu vực này liên tục có ý nghĩa trong khoảng thời gian hơn 30.000 năm. Các bằng chứng thuyết phục đã cho thấy những nhóm người cổ đã thích nghi với những biến đổi địa lý tự nhiên của khối đá vôi và đầm lầy xung quanh từ thời kỳ băng hà cuối cùng tới giai đoạn kết thúc – một vài trong số những biến đổi về địa lý và khí hậu khắc nghiệt nhất trong lịch sử gần đây của hành tinh. Bởi thế, Tràng An là một cuốn biên niên sử nguyên vẹn nổi bật về sự biến đổi môi trường và những thích ứng  của con người trong quá khứ xa xôi.

II.1. Tiêu chí văn hóa (v): Quần thể danh thắng Tràng An là nơi cư trú của loài người, có truyền thống sử dụng đất và thích nghi  tương tác giữa con người với môi trường biển-đầm lầy-đảo-đất liền.

Tràng An là địa điểm nổi bật trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới với những bằng chứng cho thấy cách con người tương tác với cảnh quan thiên nhiên và thích ứng với những thay đổi quan trọng về môi trường kéo dài hơn 30.000 năm, từ 1.200 đến 33.100 năm. Lịch sử văn hóa liên tục và tương đối dài có mối quan hệ chặt chẽ với tiến hóa địa chất gần đây của vùng karst Tràng An. Con người cổ là một phần không thể tách khỏi cộng đồng sinh vật đã được thiết lập trong khu vực đá vôi ít nhất là từ thời kỳ Băng hà Cực đại Cuối cùng. Trong thời gian này, họ đã trải qua một số biến đổi địa lý và khí hậu khắc nghiệt nhất trong lịch sử Trái đất với cảnh quan ngập nước tái diễn do sự dao động mực nước biển.

Tràng An đã biến đổi từ cảnh quan đất liền thành cảnh quan biển trong một số lần. Có những thời điểm, khối đá vôi ở xa biển, nhưng có những thời điểm Tràng An là một quần đảo giữa đại dương. Toàn bộ môi trường đất liền bị tác động dưới sự biến đổi của khí hậu và mực nước biển với các điều kiện môi trường đất trũng sông, đầm lầy, cửa sông và bờ biển. Rừng thay đổi về cấu trúc và thành phần từ kiểu rừng mưa nguyên sinh tán kín tới rừng khô theo mùa với rừng ôn đới và các đồng cỏ trong các giai đoạn khí hậu mát mẻ thịnh hành. Con người tới khu vực đá vôi có thể theo mùa để kiếm thức ăn quan trọng – ốc cạn. Các nguồn thức ăn khác tìm thấy trong các đống rác bếp khai quật ở các hang  gồm nhiều loại, đặc biệt là các nguồn từ sông – cua nước ngọt, các loài nhuyễn thể, cá và rùa. Số lượng xương động vật có vú thấp cho thấy việc săn bắn động vật là theo cơ hội, gồm khỉ, hươu, lợn và sóc, bổ sung nguồn dinh dưỡng tốt cho bữa ăn. Từ Holocen, rõ ràng biển tiến đã làm thay đổi cảnh quan thành các vũng biển và các đầm lầy nước mặn, và vào khoảng 5.500 năm trước, các sưu tập động vật khai quật được ở các hang thấp và các di chỉ ở khu vực rìa cho thấy số lượng nguồn lợi từ biển tăng lên.

Các bằng chứng về môi trường cổ ở Tràng An, kết hợp với kết quả nghiên cứu khảo cổ học đã cung cấp những thông tin quan trọng về các môi trường đã mất, lịch sử tiến hóa và tính đa dạng cũng như việc con người đã thích ứng như thế nào với điều kiện sau giai đoạn băng hà cuối cùng. Những phát hiện rõ ràng về đặc điểm thực vật xưa cùng các mối liên quan gần gũi giữa các chứng cứ khảo cổ học và môi trường cổ như vậy không phổ biến ở Đông Nam Á nên trong trường hợp này, Tràng An đã nhanh chóng được công nhận về khoa học như là một chuỗi điển hình trong khu vực. Câu chuyện văn hóa tiền sử ở Tràng An là hình ảnh thu nhỏ của quá trình toàn cầu về ứng phó của con người đối với biển tiến sau băng hà trong khu vực này tới mức có thể được coi là mô hình so sánh với các địa điểm khác trong khu vực cùng chịu các tác động này. Tràng An cũng là một trong số ít các di sản có giá trị ở Đông Nam Á giữ lại nhiều đặc điểm ban đầu không chịu ảnh hưởng lớn từ con người, động vật và các nhân tố khác trong thời gian sau đó. Tràng An mang đặc điểm về quá trình tương tác giữa con người-môi trường và là một kho tư liệu vô giá toàn cầu cho việc tìm hiểu quá trình thích ứng và thay đổi cảnh quan trong điều kiện biến đổi môi trường.

II.2. Tiêu chí cảnh quan thẩm mỹ (vii): Quần thể Danh thắng Tràng An có vẻ đẹp cảnh quan đá vôi nổi bật

Cảnh quan tháp karst Tràng An là một trong những khu vực đẹp và ngoạn mục nhất thuộc loại này trên thế giới. Chúng bao gồm chủ yếu một loạt các tháp karst dạng nón với vách dốc đứng, cao 200m so với nền đất và mực nước xung quanh. Những rặng núi hẹp nối liền hai đỉnh núi, được ví như những thanh kiếm khổng lồ, bao quanh các thung, trũng, hố sụt tròn và dài, với những dòng sông, suối nối với nhau, chảy quanh co qua các hang động ngầm dài đến một kilomet. Du khách được chở trên những con thuyền truyền thống có thể tận hưởng vẻ đẹp đa dạng của vô số những thạch nhũ, rèm nhũ và những trang trí tô điểm trần hang. Rừng nhiệt đới nguyên sinh bao trùm khắp cảnh quan, thậm chí bám vào các vách đá và đỉnh núi, trong khi đó, dê gặm cỏ trên các vách thung lũng, và trâu nước đầm mình trong các bãi phù sa cùng đàn diệc trắng. Hòa trộn khéo léo và đẹp mắt với khu rừng nguyên sinh là những ruộng lúa bao quanh các dòng sông, tạo ra một tác phẩm với nhiều mầu sắc đa dạng và luôn biến hóa, được tôn lên nhờ hình ảnh những người nông dân và ngư dân địa phương đang thực hiện những công việc truyền thống càng làm bức tranh thêm đặc sắc. Sự hiện diện của những ngôi đền và chùa, một số nằm cao trên vách đá và đỉnh núi là một yếu tố văn hóa, kín đáo cộng hưởng với vẻ đẹp tự nhiên và nhấn mạnh tầm quan trọng của tôn giáo hòa quyện với cảnh quan. Làng quê của vùng đệm xung quanh thể hiện một bức tranh của cuộc sống nông thôn truyền thống, với vườn tược và ruộng lúa xen lẫn những ngôi làng nhỏ nối với nhau bởi các con đường cấp phối hoặc đường mòn, cùng mạng lưới sông, suối và kênh rạch. Các yếu tố đá, nước, rừng, bầu trời kết hợp với nhau tạo nên một thế giới thiên nhiên sinh động, không thể đẹp và quyến rũ hơn. Khách du lịch đi theo các sông khép kín trên những con thuyền nhỏ bé truyền thống do chính những người dân địa phương chèo lái sẽ được trải nghiệm sự kết nối gần gũi với thiên nhiên và cảm nhận một trạng thái an toàn, yên bình và thanh thản tuyệt vời. Những rặng núi hoành tráng, các hang động bí ẩn và nhiều địa điểm linh thiêng của Tràng An đã truyền cảm hứng cho con người qua nhiều thế hệ. Đây là vùng đất nơi văn hóa giao thoa với sự huyền bí và vẻ tráng lệ của thế giới thiên nhiên và cũng là nơi mà văn hóa được cải biến bởi chính vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên.

II.3. Tiêu chí địa chất-địa mạo (viii): Quần thể Danh thắng Tràng An mang dấu ấn các giai đoạn lịch sử chính của Trái Đất với những quá trình địa chất quan trọng, hình thành nên các dạng địa hình và đặc điểm địa mạo cảnh quan nổi bật, đại diện cho giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến hóa karst trong điều kiện nhiệt đới nóng ẩm. Hơn thế nữa, Quần thể Danh thắng Tràng An còn nhiều lần chứng kiến những sự kiện biến đổi khí hậu lớn, với các đợt biển tiến-biển thoái quy mô khác nhau, khiến khu vực này nhiều lần trải qua nhiều bối cảnh tự nhiên khác nhau như vũng vịnh, ven biển, đầm lầy, cửa sông v.v. để cuối cùng đã nổi lên trên cạn như ngày nay. Đặc biệt, trong bối cảnh đó, người tiền sử ở Tràng An vẫn tiếp tục cư trú và thích ứng với những biến động to lớn về khí hậu và môi trường, để tiến tới hình thành nên ở khu vực này kinh đô của nhà nước phong kiến độc lập đầu tiên của Việt Nam. Quần thể Danh thắng Tràng An đã trở thành khu vực nổi bật toàn cầu về sự tương tác và thích ứng của con người với những biến động của thiên nhiên, qua đó cung cấp nhiều thông tin, nhiều bài học quý báu cho con người trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu đương đại.

Tràng An được các nhà địa chất quốc tế đánh giá là một thí dụ điển hình cho tháp đá vôi nhiệt đới ẩm ở giai đoạn cuối của quá trình phát triển địa mạo và là một mô hình để nhận biết và so sánh với các khu vực tương tự trên thế giới. Sản phẩm của quá trình phân cắt mạnh của khối đá vôi lớn được nâng lên trong hàng trăm triệu năm, cảnh quan chứa đựng một dãy hoàn chỉnh các dạng địa hình đá vôi điển hình, bao gồm tháp, lũng (hố karst), thung lũng (hố sụt), các cấu trúc sụt lở và các lớp trầm tích, hang ngầm và sông ngầm, hang động và trầm tích hang động. Một ý nghĩa khoa học quan trọng nữa là cảnh quan các dạng karst chuyển tiếp giữa cụm đỉnh karst (bao gồm các tháp liên kết với nhau bằng những dải núi sắc và quèn karst) với rừng đỉnh karst (bao gồm các tháp đơn lẻ nằm độc lập trên đồng bằng bồi tích), thể hiện những giai đoạn khác nhau trong quá trình phát triển địa hình đang diễn ra trong chu kỳ xâm thực karst. Mạng lưới các đứt gãy song song giao nhau chia cắt khu vực thành ô mạng và thúc đẩy sự phát triển của các trũng karst tròn, kín. Các bồn trũng và thung lũng ngập nước liên thông với nhau bởi các dòng chảy, chảy qua một mạng lưới phức tạp các hang động và hang ngầm, có những hang xuyên qua núi. Trần hang có dạng “xâm thực rãnh” do dòng chảy và nhiều loại trầm tích hang động carbonat, bao gồm măng đá (nhũ đá, măng đá và cột) và dải mỏng (rèm đá). Một ý nghĩa khoa học lớn nữa là sự hiện diện rộng rãi của một loạt các ngấn xâm thực cao trên các vách đá, với những hang động, nền sóng vỗ, lắng đọng bãi biển và vỏ sò, là bằng chứng cho mực nước biển cũ.

Trong thời kỳ Pleistocen và Holocen, cảnh quan karst Tràng An hoàn toàn bị biến đổi bởi các đợt biển tiến và biển thoái. Vào thời điểm biển tiến, các hố trũng ngập nước ở phía đông bắc trở thành các hồ thủy triều của một vịnh trước đó ở Tràng An. Ở phía Đông Nam, hố sụt karst và đồng bằng tích tụ tạo nên các vũng biển mà ngày nay là các vùng trũng và cánh đồng lúa, hệ thống đường nước hiện tại là sự kế thừa của các dòng suối cổ chảy ra đường bờ biển thấp hơn và xa hơn. Dọc hai bên vụng biển và trên các vách tháp karst và sống karst là các ngấn biển rõ rệt ở hai độ cao (1,5-2,5m và 3,5-4,0m) với vỏ hàu hà bám trên đó. Ở đây, có các thềm và bậc chia cắt bởi sóng liên quan đến các ngấn biển và ngấn sóng này. Các vết tích mực nước biển cổ hơn từ thời kỳ Pleistocen có thể quan sát thấy ở các vụng biển hình thành trước đó. Các bề mặt mài mòn này được hình thành trên các tháp hoặc đảo nón ở các độ cao 10-15m, 20-25m, 40m và 50-60m.

III. Kết luận

Di sản văn hóa vàthiên nhiên thế giới Tràng An là một thí dụ nổi bật của sự tương tác giữa con người và môi trường ở khu vực Đông Nam Á trong suốt hơn 30.000 năm lịch sử phát triển của con người từ Pleistocen muộn đến Holocen. Các cuộc nghiên cứu khảo cổ học và việc phục dựng lại môi trường cổ đã hé lộ chuỗi phát triển văn hóa và hoạt động của người cổ trong mối quan hệ chặt chẽ với tiến hóa địa chất gần đây của khối karst đá vôi, sự biến chuyển mạnh mẽ giữa các môi trường lục địa, đảo và bờ biển. Chính vì vậy, Tràng An thể hiện rõ là một kho thông tin nguyên vẹn về sự thích ứng của con người với các điều kiện biến đổi môi trường cụ thể là những biến đổi về địa lý và khí hậu khắc nghiệt nhất trong lịch sử gần đây của Trái đất, đặc biệt là những biến đổi diễn ra vào cuối và ngay sau thời kỳ băng hà cuối cùng. Tràng An là nơi chứa đựng các thông tin về mối tương tác giữa con người và môi trường theo thời gian và là một trong số ít các địa điểm có giá trị ở Đông Nam Á còn giữ được các đặc điểm ban đầu và không bị ảnh hưởng lớn bởi con người, động vật và các tác nhân khác.

Cảnh quan tháp karst của Tràng An nằm trong số những khu vực đẹp mê hồn thuộc kiểu này trên Trái Đất. Cảnh quan chiếm ưu thế là những dãy núi đá vôi dạng tháp và hình nón được bao bọc bởi các vách cao 200m. Chúng được nối liền với nhau bởi các sống núi sắc cạnh bao trọn các hố sụt sâu và các thung lũng ngập nước, mà các thung này lại được nối với nhau bởi vô số các dòng suối và hang động ngầm, nhiều nơi có thể đi lại bằng thuyền. Khi ngồi trên những con thuyền truyền thống được người dân địa phương chèo bằng tay, du khách có thể trải nghiệm sự gắn kết gần gũi với thiên nhiên, tận hưởng cảm giác thanh bình và an toàn. Núi non hùng vĩ, hang động huyền bí, sông nước thanh bình và nhiều đình chùa linh thiêng chốn Tràng An đã truyền cảm hứng sáng tạo cho nhiều thế hệ khi đến với mảnh đất này. Đây là nơi mà thiên nhiên và văn hóa không thể tách biệt, nơi mà văn hóa chứa đựng sự kỳ diệu, bí ẩn và hùng vĩ của thế giới tự nhiên và đã được tự nhiên cải biến.

Quần thể Danh thắng Tràng An nổi bật trong số các cảnh quan tháp karst đá vôi của thế giới và không có gì sánh bằng trên phạm vi toàn cầu, minh chứng cho các giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến hóa karst trong môi trường khí hậu nhiệt đới ẩm. Tràng An nổi bật toàn cầu một cách rõ ràng và tổng quát về đặc trưng cảnh quan karst đá vôi nhiệt đới ẩm, bao gồm các nón karst, tháp karst, các hố sụt, các bồn địa, ngấn đầm lầy, hang ngập, sông ngầm và các hang động với các trầm tích trong đó. Có ý nghĩa khoa học lớn là sự hiện diện trong cùng một cảnh quan các dạng chuyển tiếp giữa karst chóp nón, với các nón liên kết với nhau qua các sống núi sắc mảnh và karst tháp đứng rời rạc trên cánh đồng bóc mòn phủ lớp phù sa. Không có nơi nào trên thế giới thể hiện sự chuyển tiếp cảnh quan karst này tốt hơn và rõ hơn Tràng An. Câu chuyện tiến hóa karst đã được kể khá kỹ ở Tràng An, thậm chí còn mang ý nghĩa khoa học lớn hơn với các bằng chứng dao động mực nước biển ở đây trong quá khứ. Trong thời kỳ Pleistocen và Holocen, các rìa của khối đá vôi Tràng An bị biển xâm lấn và biến cải nhiều lần. Tràng An được coi là có tầm quan trọng toàn cầu trong việc minh họa sự tương tác của quá trình tiến hóa karst với những dao động mực nước biển và mực nước ngầm có liên quan.

Hiện tại, Tràng An có diện tích và phạm vi đủ rộng để bao hàm đầy đủ các giá trị và đặc điểm nổi bật về tự nhiên và văn hóa. Tất cả các hang động có ý nghĩa văn hóa và khảo cổ học đều nằm trọn vẹn trong phạm vi khu di sản. Nhờ quá trình bảo vệ lâu dài, hầu hết khu vực này về cơ bản vẫn giữ được trạng thái tự nhiên. Từ nhiều năm nay, khu vực Tràng An luôn nhận được sự quan tâm bảo tồn đặc biệt của các cấp chính quyền ở Trung ương và tỉnh Ninh Bình, cùng cộng đồng dân cư địa phương, nhằm bảo vệ bền vững di sản cho các thế hệ mai sau.

Bài trướcThông tin về lễ ký kết hợp tác giữa Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Viện Khoa học Địa chất & Khoáng sản.
Bài tiếp theoHoa Kỳ hỗ trợ nhiều dự án về sức khỏe và môi trường tại Việt Nam