[supsystic-gallery id=1 position=center]Ngày 18/3 tại Hà Nội, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) phối hợp với Viện Carbon Capture Toàn cầu và Viện lưu trữ (CCS) (Australia), Viện Dầu khí Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phương pháp đánh giá cất giữ địa chất CO2 ”.
Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Đắc Đồng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TN&MT); ông Oystein Berg, Cố vấn cấp cao của Tập đoàn Dầu khí Na Uy, cùng hơn 50 đại biểu là các nhà khoa học đại diện cho các Vụ, Viện nghiên cứu đến từ các quốc gia Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Australia và Việt Nam.
Theo các nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo, trong vòng hơn một thập kỷ qua, công nghệ thu hồi và lưu giữ các-bon (CCS) đã được các ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và nhiều nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học đánh giá là một cách ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, vấn đề thương mại hóa hoạt động thu hồi và lưu giữ các-bon vẫn đang đối mặt với một loạt rào cản lớn về tài chính, công nghệ, chính trị và môi trường. Một trong những vấn đề đặt ra đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng là điều gì sẽ xảy ra nếu một lượng lớn CO2 lọt ra ngoài và phát tán trong không khí, trong nguồn nước của các cộng đồng dân cư nếu như việc “cất giữ” không thành công như ý?
Để giúp các nước có được những cái nhìn tích cực hơn về sự nguy hại của việc để lọt một lượng CO2 ra ngoài không khí, tại Hội thảo, các nhà khoa học đã giới thiệu một số mô hình, những giải pháp công nghệ phục vụ thu hồi và cất giữ CO2 mà các nước tiên tiến trên thế giới đã làm, giới thiệu một số những vùng có đặc điểm địa chất thích hợp của Việt Nam để thực hiện hoạt động này cũng như các giải pháp an toàn khi tiến hành “bơm” CO2 vào các tầng địa chất.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đắc Đồng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ, Bộ TN&MT cho biết, tại Việt Nam, chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia Ứng phó với biến đổi khí hậu bao gồm nhiều dự án nghiên cứu để giảm phát khí thải khí CO2 tới khí quyển và từng bước không chế sự nóng lên toàn cầu được thực hiện bởi nhiều công nghệ mới như: công nghệ carbon thấp, thu hồi và cất giữ CO2 … Trong đó, mục tiêu thu hồi và cất giữ CO2 được xem là công việc quan trọng. Vì vậy, để nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn, đề xuất giải pháp công nghệ cất giữ CO2 trong các hệ tầng, cấu trúc địa chất đạt hiệu quả thì việc tăng cường học hỏi kinh nghiệm các nước cũng được đặc biệt quan tâm.
Qua hội thảo này, các nhà khoa học của Việt Nam đã học hỏi được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong nghiên cứu và triển khai công nghệ “ thu hồi cất giữ CO2” của các nhà khoa học có kinh nghiệm trên thế giới. Trên cơ sở này, Việt Nam sẽ xây dựng những kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả cao.