Ra mắt Trung tâm Khoáng hóa các-bon giảm thiểu biến đổi khí hậu

16

Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Hàn Quốc vừa cho mắt Trung tâm Khoáng hóa các-bon giảm thiểu biến đổi khí hậu dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc.

Nhằm đáp ứng nhu cầu hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực công nghệ khoáng hóa các-bon góp phần thích ứng biến đổi khí hậu, mở rộng mạng lưới, chuyển giao và nhân rộng các mô hình sản xuất phát thải thấp, thân thiện môi trường, đồng thời xây dựng nguồn nhân lực thông qua đào tạo sau đại học giữa Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Hàn Quốc và Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, hai bên đã tìm hiểu và nhất trí xây dựng đề cương, kế hoạch hình thành Trung tâm Khoáng hóa các-bon góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu, trụ sở đặt tại Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

Ngoài ra, hai bên cũng đã phối hợp triển khai nghiên cứu tiền khả thi công nghệ khoáng hóa các-bon nhằm thích ứng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, ứng dụng trong lĩnh vực tái chế giấy, thí điểm tại làng nghề Phong Khê, tỉnh Bắc Ninh; tái chế tro xỉ thải của nhà máy nhiệt điện, thí điểm tại nhà máy Cao Ngạn, tỉnh Thái Nguyên.

Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc phát biểu tại lễ ra mắt

Hai Viện đang tiếp tục xúc tiến các hướng nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng chuỗi các công nghệ khoáng hóa các-bon vào nhiều lĩnh vực sản xuất, tái chế khác nhau, nhằm đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng phát thải thấp, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, bền vững và khả thi với đặc điểm văn hóa xã hội, tình hình sản xuất ở Việt Nam. Với định hướng hợp tác chiến lược cùng trở thành nhà cung cấp, hỗ trợ công nghệ khí hậu không chỉ cho Việt Nam mà còn cho các nước đang phát triển khác trong khu vực và trên thế giới, cả hai Viện đã đăng ký trở thành thành viên của Trung tâm và mạng lưới Công nghệ Khí hậu (CTCN) thuộc UNEP.

Ra mắt Trung tâm

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho biết, nhu cầu cần được chuyển giao công nghệ xanh, sạch từ các nước đang phát triển của doanh nghiệp là rất lớn để phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên, xây dựng một xã hội các bon thấp và tăng trưởng xanh. Việc nhanh chóng triển khai các giải pháp khoa học kỹ thuật theo hướng phát thải thấp sẽ góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế thực hiện Thỏa thuận Paris.

Thứ trưởng cũng mong muốn Trung tâm hoạt động có hiệu quả, quan hệ tốt với đối tác Hàn Quốc trên quan điểm hợp tác các bên cùng có lợi, tạo ra nhiều sản phẩm khoa học công nghệ có giá trị cao, tiệm cận được với trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, góp phần quan trọng vào việc thực hiện chiến lược chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển bền vững kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Báo Tài nguyên và Môi trường

Bài trướcHội thảo Địa nhiệt khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ‘Phát triển năng lượng địa nhiệt vì một nền kinh tế xanh’.
Bài tiếp theoViệt Nam – Hàn Quốc: Mở ra mối quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường