Hội thảo Địa nhiệt khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ‘Phát triển năng lượng địa nhiệt vì một nền kinh tế xanh’.

4

Sáng ngày 13/11, tại Hà Nội, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Chương trình hợp tác công nghệ quốc tế của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) tổ chức Hội thảo Địa nhiệt khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với chủ đề “Phát triển năng lượng địa nhiệt vì một nền kinh tế xanh”.

 
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc phát biểu tại Hội thảo 

Tiến sĩ Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có bài phát biểu về “Nhu cầu phát triển năng lượng địa nhiệt hướng tới một nền kinh tế xanh ở Việt Nam” tại Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia về địa nhiệt và năng lượng tới từ các cơ quan quản lý nhà nước, các Viện nghiên cứu, Trường Đại học trong nước và quốc tế.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc, năm 2011, Chính phủ Việt Nam đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng một nền kinh tế xanh. Phát triển kinh tế xanh đang là xu hướng lựa chọn cho một tương lai không thảm họa, thân thiện với môi trường, đáp ứng được những nhu cầu của các thế hệ tương lai.

Kinh tế xanh góp phần xóa đói giảm nghèo mà không phải trả giá đắt cho việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế sự suy giảm đa dạng sinh học và suy thoái các hệ sinh thái; tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới – việc làm có năng suất lao động cao, cùng với hiệu quả về cải thiện môi trường sinh thái và ổn định lượng khí thải ra ở mức thấp.

“Kinh tế xanh giúp các nước đang phát triển đạt được các lợi ích kinh tế và xã hội về nhiều mặt như phát triển năng lượng sạch, bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia và các ảnh hưởng môi trường được hạn chế.” – Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc nói.

Các đại biểu tham dự Hội thảo  

Thứ trưởng cho biết, theo thống kê, lĩnh vực sản xuất năng lượng chiếm đến 30% khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. Ở Việt Nam, con số này còn lớn hơn do khoảng 50% nguồn điện đến từ các nhà máy điện than và khí đốt. Trong khi ở COP21 năm 2015, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải 8% khí gây hiệu ứng nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và phấn đấu giảm tới 25% vào năm 2030 nếu nhận được hỗ trợ quốc tế từ các hợp tác song phương và đa phương.

Bên cạnh đó, ở Việt Nam, năng lượng tái tạo chỉ chiếm 6,28% trong các nguồn năng lượng và chủ yếu tới từ thủy điện nhỏ (chiếm đến 80%); còn địa nhiệt là 0%. Năm 2016, Việt Nam đã điều chỉnh sơ đồ quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến 2030, theo đó, công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo phải đạt đến 9,9% vào năm 2020; 12,5% vào năm 2025 và 21% vào năm 2030. Tuy nhiên, địa nhiệt chưa được nhắc đến là một trong các nguồn năng lượng tái tạo đưa vào quy hoạch.

Về tiềm năng địa nhiệt của Việt Nam, Thứ trưởng cũng cho biết, nghiên cứu địa nhiệt ở Việt Nam đã được quan tâm từ khá lâu, bắt đầu từ nghiên cứu các nguồn nước khoáng nóng trong các chương trình địa chất thủy văn với sự hợp tác với các chuyên gia đến từ Pháp, Mỹ, New Zealand, Italia từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước.

“Qua các khảo sát nghiên cứu đánh giá, chúng tôi nhận thấy, Việt Nam có tiềm năng địa nhiệt đáng kể và có thể phát triển các nhà máy điện địa nhiệt. Gần đây, với sự hỗ trợ của Nhật Bản, chúng tôi đã bắt đầu nghiên cứu và lắp đặt hệ thống bơm địa nhiệt tầng nông và hy vọng hệ thống này sẽ được phát triển tốt ở Việt Nam trong tương lai.” – Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc nói.

Thứ trưởng khẳng định: “Phát triển địa nhiệt ở Việt Nam chắc chắn sẽ mang lại một nguồn năng lượng mới, những cơ hội mới, nâng cao năng lực, trình độ cho các nhà khoa học, tạo ra nhiều công ăn việc làm và góp phần xây dựng nền kinh tế xanh mà Việt Nam đang hướng đến.”

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Trong hai ngày 13 – 14/11, Hội thảo sẽ được nghe các bài trình bày từ các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia về năng lượng và địa nhiệt trong nước và trên thế giới về tình hình phát triển địa nhiệt ở Việt Nam và các nước trên thế giới; đồng thời, trao đổi về tiềm năng hợp tác nghiên cứu phát triển nguồn năng lượng này – nguồn năng lượng tái tạo, xanh, sạch, hầu như không phát thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính và phù hợp để được ưu tiên phát triển cho một nền kinh tế xanh.

Theo Monre

Bài trướcHội thảo Địa nhiệt khu vực châu Á – Thái Bình Dương “Phát triển năng lượng địa nhiệt vì một nền kinh tế xanh”.
Bài tiếp theoRa mắt Trung tâm Khoáng hóa các-bon giảm thiểu biến đổi khí hậu