Hoạt động trưng bày tại bảo tàng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản

263

Trưng bày là phần quan trọng thể hiện kết quả của các khâu công tác bảo tàng, phản ánh quy mô, chất lượng của một bảo tàng. Chất lượng công tác trưng bày của một bảo tàng sẽ quyết định tính hấp dẫn, thu hút được khách tham quan, sự quan tâm của công chúng đối với bảo tàng đó, vì vậy, chất lượng công tác giáo dục sẽ được nâng cao thông qua trưng bày.

Bảo tàng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản hiện đang lưu giữ, trưng bày các thành tựu khoa học, các sản phẩm vật chất tự nhiên và phi tự nhiên, phản ánh hoạt động khoa học về Địa chất – Khoáng sản. Trưng bày Bảo tàng có nhiệm vụ giáo dục và phổ biến kiến thức khoa học, nghiên cứu khoa học, cung cấp thông tin, hình ảnh một cách nhanh chóng và chuẩn xác, giúp cho các nhà khoa học nâng cao chất lượng của các công trình nghiên cứu. Thông qua nghiên cứu các hiện vật tư liệu, tranh ảnh, các nhà khoa học có thể làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề về địa chất, về các tư liệu hiện vật đang trưng bày để bổ sung thêm thông tin mới, làm cho hiện vật trong phòng trưng bày trở nên có giá trị, “biết nói” như những nhân chứng trung thực nhất trong lịch sử phát triển tự nhiên, lịch sử phát triển của địa chất khoáng sản Việt Nam nói chung và của Viện Khoa học Địa chất và khoáng sản nói riêng.

Hệ thống mẫu vật trưng bày đã thể hiện được những nội dung cơ bản nhất của địa chất học hiện đại, những thành tựu khoa học của công tác điều tra địa chất và tài nguyên khoáng sản Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ, bao gồm cả vùng đất liền, hải đảo và thềm lục địa Việt Nam.

Trong công tác chỉnh lý trưng bày, Bảo tàng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản luôn cố gắng áp dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật, những biện pháp và hình thức trưng bày mới, nội dung được bổ sung phong phú, từng bước đáp ứng yêu cầu của khách tham quan.

Hệ thống ánh sáng, tủ kính được trang bị đồng bộ nhằm bảo quản và trưng bày hiện vật được lâu dài. Với hơn 2000 hiện vật, mẫu vật địa chất và khoáng sản có giá trị, hệ thống trưng bày cố định của bảo tàng được thể hiện theo các nội dung cụ thể như sau:

I. Các đá đại diện: trưng bày trong bốn tủ, trong đó bao gồm:

1Đá Magma: Siêu mafic – mafic, trung tính và kiềm, axit; Đá xâm nhập – Đá phun trào và núi lửa;

2. Đá trầm tích;

3. Đá biến chất

IIKhoáng sản Việt Nam:trưng bày trong 4 tủ, tại gian chính giữa của Bảo tàng bao gồm:

1. Khoáng sản kim loại: Quặng chì – kẽm (Pb – Zn); Quặng sắt, Thiếc, Mangan, Pyrit, Vàng – Sulfur đa kim (Fe, Sn, Mn, Pyrit, Au…) ; Quặng Đồng Nhôm, Đồng – Vàng.

2. Khoáng sản phi kim loại (Khoáng chất công nghiệp): Flourit, Talc, Thạch cao, Fenspat, Manhezit, Phosphorit, Barit, Diatomit, Vermiculit, đá hoa, vv,… và than đá.

3. Khoáng sản quý: bao gồm Vàng sa khoáng và vàng tự sinh.

4. Đá quý và nửa quý bao gồm:

 + Đá quý nhóm Ruby – Saphir chủ yếu ở vùng Lục yên, Tân Hương của tỉnh Yên Bái; Ở Quỳ Châu, Quỳ Hợp của Nghệ An và ở một số vùng khác như Cò Phương, sông Mã.

+ Đá bán quý: Đã được chế tác hoặc ở dạng đá gốc như: Spinel, Topaz, Turmalin, Opal, Thạch anh tinh thể, Thạch anh hồng, Tectit, Gỗ hóa thạch, Fluorit trưng bày trong các tủ đứng, đặt xung quanh tường.

Ngoài ra, Bảo tàng còn có một bộ mẫu quặng phóng xạ, đất hiếm, trưng bày trong các tủ ngang.

III. Các sưu tập về mẫu hóa thạch (Cổ sinh vật ) có tuổi địa chất từ cổ đến trẻ, được trưng bày trong ba tủ.

Bên cạnh các mẫu vật Địa chất – Khoáng sản, Bảo tàng còn trưng bày nhiều hiện vật, kỷ niệm, kỷ vật của tập thể, cá nhân trao tặng cho các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo Viện qua các thời kỳ trong các chuyến đi tham quan, học tập, nghiên cứu, trao đổi, hội thảo ở nước ngoài, thể hiện mối quan hệ giữa địa chất Việt Nam và địa chất Quốc tế.

Phòng trưng bày thông qua hiện vật, tư liệu gốc để thực hiện chức năng tuyên truyền, giáo dục, tạo cho khách tham quan lĩnh hội được các tri thức khái quát về bức tranh tổng thể địa chất và tiềm năng khoáng sản, gây xúc cảm và góp phần làm giàu trí tuệ, tâm hồn người xem về tài nguyên thiên nhiên của Tổ quốc.

Có thể nói, đến với Phòng trưng bày Bảo tàng – Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản thăm khu trưng bày về các bộ sưu tập mẫu vàng và đá quý, người xem hiểu thêm về sự phong phú tài nguyên thiên nhiên “rừng vàng, biển bạc” của nước nhà; những quy luật phân bố tài nguyên khoáng sản trên lãnh thổ nước ta.

Thăm khu trưng bày về các kỷ vật, tủ hiện vật của nước ngoài, khách tham quan thấy được hoạt động khoa học nghiệp vụ, hoạt động trao đổi hợp tác Quốc tế giữa Viện Khoa học Địa chất với các cơ quan khoa học trong và ngoài nước. Thăm Phòng trưng bày về tranh ảnh (Phòng truyền thống),  người xem thấy được lịch sử xây dựng và trưởng thành suốt hơn 5 thập kỷ qua của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, với những địa danh, tên đất, tên người, những hoạt động sôi nổi phong phú, những thành tích đã đạt được của các cán bộ công nhân viên trong Viện.

Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, Phòng trưng bày Bảo tàng đã khẳng định vai trò, chức năng của mình trong công tác bảo quản, phân loại và khai thác các mẫu vật quý có giá trị góp phần nâng cao hiệu quả nghiên cứu của ngành địa chất nói chung cũng như của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản nói riêng.

Một số hình ảnh khách tham quan tại bảo tàng:

Khách tham quan tại Bảo tàng

Khách tham quan tủ trưng bày
mẫu Khoáng sản Việt Nam

Khách tham quan tủ trưng bày
mẫu nước ngoài

Khách tham quan khu trưng bày Bản đồ

Bảo tàng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản

Bài trướcThư chúc mừng ngày 20 -11 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Bài tiếp theoQuy chế đào tạo Tiến sĩ năm 2021