Hội thảo tổng kết hoạt động Khoa học và Công nghệ giai đoạn năm 2011-2021 và định hướng phát triển đến năm 2030 của lĩnh vực Địa chất và Khoáng sản

65

Hội nghị tổng kết hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2011-2021 và định hướng phát triển đến năm 2030 lĩnh vực địa chất và khoáng sản

Hướng tới kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường và thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn tổ chức ngày KH&CN Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2011-2021 và định hướng phát triển đến năm 2030 lĩnh vực địa chất và khoáng sản vào sáng ngày 17/5/2022.

 

Tham dự Hội nghị có đồng chí Trịnh Hải Sơn – Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Viện ĐCKS) cùng sự hiện diện của lãnh đạo các Vụ chuyên quản Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, đại diện Liên đoàn vật lý địa chất, đại diện Viện Biển và Hải đảo Việt Nam và đại diện các đơn vị trong và ngoài viện khác.

Viện trưởng Trịnh Hải Sơn phát biểu khai mạc hội nghị

Ban chủ trì hội nghị

Báo cáo tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) giai đoạn 2011-2011 tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đại Trung – trưởng phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế, Viện ĐCKS cho biết: Trong giai đoạn 2011-2021, Viện ĐCKS đã hoàn thành tốt 55 nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ các cấp (03 nhiệm vụ cấp Quốc gia, 28 nhiệm vụ cấp Bộ, 24 nhiệm vụ cấp Cơ sở) với kinh phí thực hiện là 70.420 triệu đồng. Các kết quả đạt được đã tạo tiền đề cho sự phát triển của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản nói riêng, lĩnh vực địa chất và khoáng sản nói chung đã góp phần vào sự phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của nước ta.

Đồng chí Nguyễn Đại Trung trình bày Báo cáo tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2021 và định hướng đến năm 2030 của Viện ĐCKS

Về hợp tác trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ, Viện ĐCKS duy trì hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong khu vực và quốc tế như: Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa liên bang Nga, Vương quốc Anh, Vương quốc Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan; Trung Quốc, Hà Lan, Thái lan, Malaysia, Indonesia, v.v. Công tác hợp tác quốc tế thời gian gần đây được đẩy mạnh, việc hợp tác nghiên cứu với các tổ chức, cá nhân về KHCN được mở rộng tới mọi quốc gia trong khu vực và trên thế giới, vì vậy đã giành được nhiều hỗ trợ về vốn, thiết bị, công nghệ và đào tạo chuyên môn.

Tại Hội nghị, dưới sự điều hành của Ban tổ chức, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận đánh giá, tổng kết hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2011-2021 và đưa ra định hướng đến năm 2030 trong lĩnh vực địa chất khoáng sản. Các nội dung tham luận gồm: “Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ Liên đoàn Vật lý Địa chất, những thành tựu và định hướng phát triển” (ThS. Kiều Huỳnh Phương, Tổng cục ĐCKS trình bày); “Đánh giá tài nguyên lý thuyết năng lượng gió ngoài khơi vùng biển Việt Nam” (đại diện Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo trình bày); “Các thành tựu nghiên cứu về Cổ sinh – Địa tầng và định hướng phát triển đến năm 2030” (TS. Nguyễn Đức Phong trình bày); “Các thành tựu nghiên cứu khoa học và công nghệ về Tai biến địa chất và định hướng phát triển đến năm 2030” (TS. Nguyễn Quốc Khánh trình bày); “Các thành tựu nghiên cứu nổi bật về Di sản địa chất – Công viên Địa chất và định hướng phát triển đến 2030” (ThS Đỗ Thị Yến Ngọc trình bày). Các nội dung tham luận đều nhận được sự quan tâm, góp ý nhiệt tình từ các thành viên tham dự hội nghị.

Đại diện Liên đoàn Vật lý Địa chất, Tổng cục địa chất và Khoáng sản trình bày Báo cáo Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ Liên đoàn Vật lý Địa chất, những thành tựu và định hướng phát triển

Ông Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo phát biểu đóng góp cho hội nghị

Kết thúc Hội nghị, TS. Trịnh Hải Sơn – đại diện Lãnh đạo Viện KH ĐCKS chúc mừng hội nghị đã diễn ra thành công và bày tỏ lòng tin tưởng rằng trong tương lai, với các định hướng mới và sự đánh giá, nhìn nhận đúng vai trò ngành ĐCKS của Đảng và Nhà nước, hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản sẽ tiếp tục gặt hái thành công, đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng. Trong bối cảnh Cách mạng 4.0, TS. Trịnh Hải Sơn chúc các nhà khoa học luôn nhiệt huyết trong công tác nghiên cứu để nhanh chóng cập nhật và bắt kịp xu hướng mới, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của ngành.

Phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác Quốc tế

 

Bài trướcHội nghị cán bộ viên chức và người lao động năm 2022
Bài tiếp theoDự thảo các nội dung hoạt động đại hội quốc tế về hang động ở Pháp