Đó là chủ đề Hội thảo khoa học do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tổ chức vào ngày 31/5, tại Hà Nội. TS. Quách Đức Tín – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Quách Đức Tín cho biết: Hòa chung với không khí tưng bừng tổ chức các sự kiện chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2023 trên cả nước, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tổ chức Hội thảo “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo – Nâng cao tiềm lực và vị thế quốc gia”.
Hội thảo thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan trong và ngoài Bộ TN&MT, đây là dịp để các nhà khoa học, quản lý, giáo dục, đào tạo và doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi và tổng kết thành quả nghiên cứu và khả năng ứng dụng trong thực tế sản xuất. Đồng thời, đề xuất các hướng nghiên cứu mới phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Báo cáo về hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2015-2022 của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, TS. Nguyễn Đại Trung, Trưởng Phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế thuộc Viện cho biết: Giai đoạn từ năm 2015 – 2022, Viện đã chủ trì thực hiện 47 nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, trong đó có 3 nhiệm vụ cấp quốc gia, 27 nhiệm vụ cấp Bộ, 17 nhiệm vụ cấp cơ sở.
Quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ đạt được nhiều kết quả nổi bật đã và đang được ứng dụng trong nghiên cứu, quản lý và thực tiễn góp phần vào sự phát triển chung của hoạt động khoa học và công nghệ, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Viện đã chuyển giao kết quả cho Ban Quản lý Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn về cơ sở khoa học và pháp lý cho việc xác lập, bảo tồn, sử dụng hợp lý di sản địa chất, công viên địa chất ở Việt Nam để tham khảo, phục vụ xây dựng và phát triển bảo tồn và sử dụng hợp lý, quy hoạch Công viên Địa chất Toàn cầu.
Đồng thời, Viện cung cấp các dịch vụ khoa học và công nghệ với các địa phương: Hà Giang, Cao Bằng, Ninh Bình, Quảng Ninh, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Kạn,… phục vụ xây dựng và phát triển bảo tồn và sử dụng hợp lý, quy hoạch Công viên địa chất – Di sản địa chất, điều tra địa chất công trình; xác định nguyên nhân và đề xuất biện pháp xử lý hiện tượng sụt đất,…
Viện cũng chuyển giao nhiều kiến thức, kỹ thuật nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng hợp lý tài nguyên nước trên vùng núi đá vôi quan trọng hơn là triển khai đào tạo và chuyển giao về sử dụng kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ một cách bài bản; giúp các kỹ thuật viên, nhà quản lý nắm được quy trình vận hành, duy tu, bảo dưỡng cũng như phát triển bền vững; triển khai xây dựng 3 hệ thống phân phối nước cho Thị trấn Đồng Văn và các khu vực lân cận thuộc xã Thài Phìn Tủng với khối lượng bao gồm: 1 bể chứa nước 2000m3, 1 bể phân phối nước tập trung 200m3, 6 bể phân phối cấp thôn và hàng chục bể chứa, cấp nước tập trung khác; xây dựng một hệ thống đường ống phân phối nước cho một khu vực rộng lớn với quy mô dân số lên gần 10 ngàn người.
TS. Đỗ Minh Hiển thuộc Phòng Địa chất kinh tế và Địa tin học, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản trình bày tham luận tại Hội thảo
Về định hướng phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2030 của Viện, TS. Nguyễn Đại Trung cho biết, Viện sẽ nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp hiện đại, công nghệ tiên tiến nhằm phục vụ hiệu quả hoạt động điều tra cơ bản địa chất khoáng sản; nghiên cứu cơ sở khoa học, định hướng công tác điều tra, ứng dụng công nghệ giám sát, quan trắc các quá trình địa động lực tại một số khu vực xung yếu, chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng (sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long, nâng hạ các khối cấu trúc địa chất ở khu vực Nam Bộ, xói lở bờ sông, bờ biển,…), các biện pháp hạn chế, giảm thiểu.
Viện cũng phát triển ứng dụng công nghệ tự động hóa, số hóa, mô hình hóa, công nghệ giám sát, quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm tai biến địa chất (trượt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét,..), sự cố môi trường…
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Viễn thám và Tai biến địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã điểm lại những kết quả nghiên cứu và khoanh định các khu vực nhạy cảm về trượt lở đất đá tại khu vực Thừa Thiên Huế. Theo đó, khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế được đánh giá là địa phương có nguy cơ trung bình về trượt lở đất đá so với các tỉnh thuộc khu vực miền Trung. Kết quả khoanh định khu vực nhạy cảm về trượt lở đất đá có các huyện nguy cơ nhạy cảm cao gồm các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc.
Danh sách các xã/phường đề xuất nghiên cứu, điều tra chi tiết ở tỷ lệ 1:10.000 gồm: huyện A Lưới (gồm khu vực các xã: A Đớt, A Roằng, Phú Vinh, Hồng Hạ và A Lưới), huyện Nam Đông có khu vực xã Hương Sơn, huyện Phong Điền có khu vực xã Phong Xuân. Theo TS. Nguyễn Quốc Khánh, các kết quả khoanh định những khu vực nhạy cảm về trượt lở đất đá và đề xuất điều tra chi tiết ở tỷ lệ 1:10.000 được sử dụng làm cơ sở định hướng cho công tác điều tra, đánh giá, dự báo, cảnh báo sớm trượt lở đất đá để phục vụ hiệu quả hơn đối với việc quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư, đồng thời góp phần phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do trượt, sạt lở đất đá gây ra cho địa phương.
Bên cạnh đó, những kết quả này sẽ góp phần giúp cho thành phố có định hướng quy hoạch lãnh thổ, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong tương lai; phục vụ trực tiếp công tác quy hoạch và xây dựng hạ tầng của khu vực Thừa Thiên Huế trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu và các loại hình thiên tai như trượt, sạt lở đất đá.
Khái quát những kết quả của nghiên cứu thành lập bản đồ phân vùng nhạy cảm tai biến trượt lở và lũ bùn đá ở tỷ lệ lớn bằng các phương pháp thống kê, học máy kết hợp với mô hình FlowR, TS. Đỗ Minh Hiển thuộc Phòng Địa chất kinh tế và Địa tin học, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết: Kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng các phương pháp thống kê và học máy hoàn toàn có thể áp dụng để thành lập bản đồ nhạy cảm trượt lở ở tỷ lệ lớn 1:10.000 cho các khu vực hạn chế về dữ liệu đầu vào. Mô hình kết hợp giữa các phương pháp này với mô hình FlowR (mô hình thực nghiệm đánh giá dòng lan truyền của các loại tai biến liên quan đến trọng lực) để thành lập bản đồ nhạy cảm tai biến trượt lở và lũ bùn đá phù hợp để áp dụng ở tỷ lệ 1:10.000.
Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần giảm thiểu tai biến trượt lở và lũ bùn đá, hỗ trợ việc quy hoạch lãnh thổ trong khu vực nghiên cứu. Các phương pháp đã áp dụng trong nghiên cứu này có thể áp dụng cho các khu vực khác để thành lập bản đồ nhạy cảm tai biến trượt lở và lũ bùn đá ở tỷ lệ tương tự.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các kết quả nghiên cứu về địa chất khoáng sản, nguồn gốc quặng hóa, khoáng sản ẩn sâu, tai biến địa chất, trượt lở, tài nguyên nước… trong đó có nhiều công nghệ mới, kỹ thuật mới được giới thiệu nhằm phục vụ các dự án điều tra, đánh giá khoáng sản, tai biến địa chất, tài nguyên nước, phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét… Tất cả những nghiên cứu này đã góp phần nâng cao tiềm lực và vị thế quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-nang-cao-tiem-luc-va-vi-the-quoc-gia-358061.html