Cần sự đồng hành để nâng tầm di sản địa chất Việt Nam

142

(TN&MT) – Để nâng tầm các giá trị di sản địa chất và công viên địa chất (CVĐC) của Việt Nam, đặc biệt từng bước thúc đẩy phát triển ngành du lịch – dịch vụ, làm tăng giá trị các điểm di sản địa chất và tạo ra nhiều trải nghiệm mới lạ cho du khách trên hành trình khám phá CVĐC, rất cần sự đồng hành của chính quyền, người dân và các nhà khoa học địa chất.

Đây là những thông tin phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường ghi nhận được trong cuộc trò chuyện với ông Trịnh Hải Sơn – Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Tiểu ban chuyên môn về CVĐC toàn cầu Việt Nam.

11.jpg

PV: Xin ông cho biết, các nhà khoa học địa chất ở Việt Nam đã tiến hành việc nghiên cứu và khoanh định một số khu vực có tiềm năng về di sản địa chất và CVĐC như thế nào?

Ông Trịnh Hải Sơn: Từ những năm đầu thế kỷ 20 đến nay, các nhà khoa học địa chất Việt Nam đã tiến hành các điều tra khảo sát, nghiên cứu địa chất ở Việt Nam nhằm phân loại, đánh giá và xếp hạng các di sản địa chất và đánh giá triển vọng thành lập CVĐC. Trên cơ sở tổng hợp tài liệu đánh giá các loại di sản địa chất của các nhà khoa học địa chất bao gồm: cổ sinh địa tầng, cấu trúc – kiến tạo, khoáng sản, địa mạo và hang động… cho các khu vực nghiên cứu ở các tỷ lệ tổng quan 1:200.000, 1:50.000, các nhà khoa học địa chất đã tiến hành khoanh định một số khu vực có thể trở thành CVĐC.

Về phía người dân và cộng đồng địa phương, di sản địa chất không phải là khái niệm quen thuộc nhưng những cảnh quan đẹp như thác, đèo, hồ, khe, núi, vịnh, tùng, áng… đã được khai thác và bảo vệ trong quy ước (hương ước) của làng, xã. Do vậy, đã tồn tại một mối liên quan mật thiết và gắn bó giữa nghiên cứu của các nhà khoa học địa chất về di sản địa chất và cách đặt tên các cảnh quan đẹp của người dân địa phương.

Ví dụ như núi Rồng Ở, Áng Mây, núi đôi Cô Tiên, thác Đa, vịnh Tùng Hạc, núi Ba Vì, thác Bạc, đèo Gió, động Ngườm Ngao, hồ Ba Bể, vịnh Hạ Long, đèo Mã Phục, đèo Mã Pì Lèng… đều do người dân đặt tên do nguồn gốc ở những địa danh đó có cảnh quan đẹp gắn với các đặc điểm thú vị về đất, nước và văn hóa – lịch sử… Và đó cũng chính là các địa danh nổi tiếng mà du khách bốn phương bị hấp dẫn bởi tên gọi đã tìm đến trải nghiệm.

Các biểu hiện di sản địa chất ở các tỉnh (thành) miền Bắc đã được thu thập thông tin chủ yếu về cấu trúc – kiến tạo, đá, cảnh quan địa mạo, hang động, cổ sinh – địa tầng, kinh tế – địa chất… theo hệ thống phân loại trên thế giới (GILGES) cũng như của Việt Nam. Theo đó, các biểu hiện di sản địa chất ở các khu vực được tổng hợp lại bao gồm 1.197 biểu hiện di sản địa chất. Nhiều nhất là 575 biểu hiện di sản địa mạo và hang động chiếm tới 40,08% tổng số di sản địa chất. Tiếp sau đó là 327 biểu hiện di sản kiến tạo, chiếm 27,32%. Sau đó lần lượt là 111 biểu hiện di sản khoáng sản chiếm 9,27%, 92 di sản cổ sinh chiếm 7,69%, 73 di sản địa tầng chiếm 6,10% và cuối cùng là 19 di sản đá chiếm 1,59% tổng số di sản địa chất.

Các địa điểm, khu vực có tiềm năng về di sản địa chất và CVĐC ở các tỉnh (thành) miền Nam cũng đã được đánh giá bước đầu có khoảng 150 biểu hiện di sản địa chất. Khu vực Trung Trung Bộ có 38 biểu hiện, cao nguyên Nam Trung Bộ có 61 biểu hiện, Tây Ninh và Đông Nam Bộ có 22 biểu hiện, ven biển Nam Trung Bộ có 44 biểu hiện và Tây Nam Bộ và Vịnh Thái Lan có 20 biểu hiện.

11e.jpg
                      Hệ thống CVĐC Toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

PV: Với kết quả điều tra, nghiên cứu trên, các nhà khoa học địa chất đã phát hiện những khu vực nào có tiềm năng trở thành CVĐC, thưa ông?

Ông Trịnh Hải Sơn: Từ những kết quả điều tra, nghiên cứu đánh giá tiềm năng di sản địa chất và triển vọng xây dựng CVĐC ở khu vực miền Bắc, các nhà khoa học đã xác định 16 khu vực có triển vọng là: Vườn Quốc gia Ba Bể và lân cận, tỉnh Bắc Kạn; Thành phố Cao Bằng – Hòa An, tỉnh Cao Bằng; Na Dương – Rinh Chùa – Thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn; Khu Dự trữ Sinh quyển quần đảo Cát Bà – Long Châu và bán đảo Đồ Sơn – Kiến An, thành phố Hải Phòng; Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; Quần đảo Cô Tô – Đảo Trần, tỉnh Quảng Ninh; Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn – Sa Pa – Cam Đường, tỉnh Lào Cai; Thị xã Lai Châu – Bình Lư – Than Uyên, tỉnh Lai Châu; Hồ Thác Bà – Lục Yên, tỉnh Yên Bái; Thị xã Sơn La – Thuận Châu, tỉnh Sơn La; Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông, tỉnh Hòa Bình; Vườn Quốc gia Ba Vì và lân cận, thành phố Hà Nội; Vườn quốc gia Cúc Phương – Cố đô Hoa Lư – Khu du lịch sinh thái Tràng An, tỉnh Ninh Bình; Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa; Di sản Thiên nhiên Thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng và lân cận, tỉnh Quảng Bình.

Riêng khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn có nhiều di sản địa chất rất có giá trị về mặt khoa học, bao gồm các di sản cổ sinh – địa tầng, cổ môi trường, kiến tạo, địa mạo, địa chất karst (hang động), địa chất thủy văn…, đã được công nhận là CVĐC Toàn cầu. Đến nay, hai khu vực ở miền Bắc đã trở thành CVĐC Toàn cầu UNESCO là Cao nguyên đá Đồng Văn và Non Nước Cao Bằng. Ngoài ra, khu vực Na Dương – Rinh Chùa và lân cân cũng đã được điều tra nghiên cứu di sản địa chất và xây dựng thành lập CVĐC vào năm 2021. Riêng khu vực Cố đô Hoa Lư và Khu du lịch sinh thái Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên năm 2014.

150 biểu hiện di sản địa chất ở miền Nam cũng đã được đề xuất xây dựng 15 khu bảo tồn địa chất. Một số khu vực có khả năng trở thành CVĐC quốc gia hoặc quốc tế như: Khu vực đầm phá Tam Giang – Vịnh Chân Mây, Thừa Thiên – Huế; Khu vực Cù Lao Chàm – hạ lưu Sông Thu Bồn, Quảng Nam; Khu vực Bình Sơn – Lý Sơn, Quảng Ngãi; Khu vực Cầu Đá – Hòn Mun, Nha Trang; Khu vực cát đỏ hệ tầng Phan Thiết và thềm biển cổ Mavieck ở Bình Thuận; Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu; Khu vực mũi Cà Mau (trọng tâm là tương tác sông – biển vùng đất mũi, kết quả hoạt động của hệ thống sông Cửu Long, một trong những hệ thống sông lớn nhất thế giới); Khu vực biển Kiên Giang -Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; Khu vực đá siêu biến chất Arkei Kannak và Biển Hồ; và khu vực Hồ Lắk – Liên Sơn. Khu vực Bình Sơn – Lý Sơn đã được điều tra nghiên cứu các di sản địa chất và triển vọng thành lập CVĐC Toàn cầu năm 2018. Năm 2020, CVĐC Đắk Nông được UNESCO công nhận là CVĐC Toàn cầu UNESCO. Đây là CVĐC Toàn cầu UNESCO thứ ba của Việt Nam.

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về hoạt động điều tra di sản địa chất, nghiên cứu tiềm năng xây dựng CVĐC của Việt Nam so với thế giới và ông kỳ vọng gì về hoạt động này trong thời gian tới?

Ông Trịnh Hải Sơn: Điều tra di sản địa chất, nghiên cứu đánh giá triển vọng xây dựng CVĐC của Việt Nam tuy diễn ra muộn so hơn với thế giới trên cả hai phương diện: pháp lý và khoa học, nhưng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, các nhà khoa học địa chất Việt Nam đã nỗ lực thực hiện việc điều tra, nghiên cứu đánh giá di sản địa chất trên các phương diện nhận diện, mô tả, phân loại, xếp hạng hàng nghìn di sản địa chất và đề xuất thành lập, xây dựng hàng chục CVĐC theo các tiêu chuẩn thế giới và Việt Nam để phù hợp với yêu cầu giao lưu hội nhập quốc tế về khoa học cũng như phát triển bền vững.

Đến nay, Việt Nam đã có ba CVĐC quốc gia được UNESCO công nhận CVĐC Toàn cầu là Cao nguyên đá Đồng Văn, Non Nước Cao Bằng và Đắk Nông. Trong đó, mới nhất là CVĐC Toàn cầu Đắk Nông đã phát triển các mô hình du lịch sinh thái, thám hiểm, nghiên cứu về đa dạng sinh học… thu hút các nhà khoa học cũng như du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu. Đây còn là nơi giúp du khách trải nghiệm đời sống tinh thần đa dạng, phong phú của phần lớn dân tộc trên địa bàn tỉnh, thể hiện rõ nét qua các tín ngưỡng dân gian, các nghi lễ, lễ hội, ngữ văn dân gian, nghệ thuật diễn xướng, các trò chơi dân gian.

Mong rằng, chính quyền và người dân địa phương tiếp tục đồng hành cùng các nhà khoa học địa chất quan tâm đẩy mạnh việc tham gia hội nhập quốc tế, giữ gìn và quảng bá các di sản địa chất, CVĐC của Việt Nam với người dân trong nước và bạn bè quốc tế trong nền kinh tế tuần hoàn, xanh, giảm thiểu phát thải các-bon, phát triển bền vững.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn:https://baotainguyenmoitruong.vn/can-su-dong-hanh-de-nang-tam-di-san-dia-chat-viet-nam-365288.html

Bài trướcHội thảo Quốc tế Việt Nam – Ba Lan
Bài tiếp theoViệt Nam và Ba Lan: Mở ra thời kỳ mới trong quan hệ hợp tác về tài nguyên và môi trường