Sáng 6/11, tại Hà Nội, Trường Đại học Tổng hợp Vac sa va, Ba Lan phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản thuộc Bộ TN&MT Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế “Hợp tác khoa học Việt Nam và Ba Lan – Một khởi đầu mới” nhằm nâng tầm quan hệ giữa hai quốc gia lên một tầm cao mới, mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên dự và phát biểu tại Hội nghị.
Hội nghị còn có sự tham gia của Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các đại biểu đến từ Bộ TN&MT Việt Nam, Bộ Giáo dục và Khoa học Ba lan; Lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, các trường Đại học, các Hội, Hiệp Hội của Việt Nam và Ba Lan.
Hội nghị gồm ba chủ đề về “Địa chất và tài nguyên khoáng sản”, “Thiên tai và bảo vệ môi trường” và “Khảo cổ học và địa khảo cổ học”. Hội nghị là dịp để các nhà khoa học của Ba Lan và Việt Nam thông báo những kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản, sinh hóa biển, ô nhiễm môi trường, bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên liên quan đến biến đổi khí hậu, khảo cổ, tai biến thiên nhiên và bảo vệ môi trường… Đây cũng là dịp để ôn lại lịch sử quan hệ giữa hai nước, thành quả của những chương trình hợp tác và những đóng góp của Ba Lan cho Việt Nam trong hơn 70 năm qua.
Điểm lại những kết quả hợp tác Việt Nam – Ba Lan có ý nghĩa thiết thực
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết: Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 4/2/1950 đến nay, Việt Nam và Ba Lan có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác trên nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại, giáo dục – đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, du lịch… Ba Lan đã đào tạo cho Việt Nam khoảng 4.000 cán bộ có trình độ đại học và sau đại học, trong đó trên 100 cán bộ ngành địa chất và khoáng sản. Đặc biệt, có hai Bộ trưởng trong Chính phủ Việt Nam từng là cựu du học sinh ngành Địa chất tại Ba Lan là nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Chu Tuấn Nhạ và nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên. Những cán bộ kỹ thuật do Ba Lan đào tạo có trình độ chuyên môn cao đã đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đã điểm lại một số kết quả Hợp tác quốc tế Việt Nam – Ba Lan trong ngành tài nguyên và môi trường có ý nghĩa thiết thực và đạt nhiều thành quả cho Việt Nam.
Cụ thể, từ năm 1955, Ba Lan đã giúp xây dựng 2 trạm nghiên cứu Khí tượng – Thủy văn đặt tại Sa Pa và Phù Liễn Hải Phòng; xây dựng Nhà máy sàng tuyển than Cửa Ông, Quảng Ninh; thành lập Bản đồ địa chất và khoáng sản khu vực Bảo Hà tỷ lệ 1/100.000 và 1/25.000 trên diện tích 1.500km2.
Năm 1996, Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ký kết Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học về địa chất với 4 dự án lớn thực hiện liên tục từ năm 1996 – 2018 được Ba Lan tài trợ và có nhiều kết quả có ý nghĩa về cấu trúc địa chất, kiến tạo, địa động lực, tiến hóa magma, sinh khoáng,…
Năm 1999, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Việt Nam và Ủy ban Nhà nước của Ba Lan về nghiên cứu khoa học đã ký Văn bản hợp tác Khoa học và Công nghệ. Trên cơ sở Hiệp định đã ký kết, phía Ba Lan đã tài trợ cho Việt Nam một số dự án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Trắc địa – Viễn thám, công nghiệp khai thác mỏ, công nghiệp tàu thủy…
Từ năm 2014, theo sáng kiến của GS. Tadeusz Slomka, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ AGH, Krakow, Trường Đại học AGH Krakow và Trường Đại học Mỏ – Địa chất, Hà Nội cùng nhau luân phiên tổ chức Hội nghị Việt-Pôl tại Ba Lan và tại Việt Nam nhằm phối hợp hoạt động trao đổi học thuật, chương trình đào tạo, trao đổi giảng viên, sinh viên giữa hai trường, đồng thời phát triển quan hệ song phương trong lĩnh vực đào tạo đại học và sau đại học.
Theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, ngày 1/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký Quyết định số 334/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để thực hiện Chiến lược trên, Bộ TN&MT đã và đang tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tiếp thu khoa học hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến trong điều tra, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; khuyến khích hợp tác điều tra, thăm dò, khai thác.
Mối quan hệ hợp tác quốc tế và sự giúp đỡ của Ba Lan trước đây là một trong những nhân tố quan trọng góp phần cho sự trưởng thành nhanh chóng của ngành địa chất và khoáng sản Việt Nam. Tuy vậy, có sự gián đoạn trong thời gian gần đây, do vậy Bộ TN&MT hiện chưa có chương trình hợp tác chính thức với các đối tác Ba Lan tương ứng.
Để tiếp nối truyền thống hợp tác giữa hai nước, Bộ TN&MT đã giao Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản làm đầu mối xây dựng một số chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học với đối tác Ba Lan trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản, đồng thời chuẩn bị các hồ sơ kỹ thuật và tiến tới xây dựng một Trung tâm nghiên cứu Nhiệt đới Việt Nam – Ba Lan ở Việt Nam trong tương lai do Ba Lan tài trợ (trong đó, sẽ xây dựng trước 1 phòng thí nghiệm tại trụ sở Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản).
“Việt Nam và Ba Lan tuy xa nhau về địa lý nhưng có rất nhiều điểm tương đồng về lịch sử đặc biệt là tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác đã trải qua hơn 70 năm. Tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học – công nghệ rất lớn nhưng chưa được khai thác tương xứng trong thời gian qua. Bộ TN&MT luôn mong muốn trong thời gian tới sẽ ký kết hợp tác chính thức với cơ quan tương ứng của Ba Lan”, Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh.
Kỳ vọng nhiều kết quả từ hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Giáo sư Anna Wysocka, Phó Viện trưởng Viện Địa chất, Viện Hàn Lâm Khoa học Ba Lan đánh giá, quan hệ hợp tác giữa Ba Lan và Việt Nam có truyền thống lâu đời từ những năm 50 của thế kỷ trước, khi Ba Lan bắt đầu đào tạo nhân lực cho Việt Nam và thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trong những năm qua, các nhà khoa học Ba Lan và Việt Nam đã đưa ra nhiều dự án và sáng kiến chung. Trong 20 đến 30 năm qua, sự hợp tác này vẫn tiếp tục nhưng quy mô hạn chế hơn.
Vì vậy, hai bên đã quyết định tổ chức Hội nghị này nhằm thúc đẩy hợp tác khoa học Ba Lan-Việt Nam, qua đó thúc đẩy trao đổi ý tưởng khoa học, hợp tác và chuẩn bị các dự án nghiên cứu chung giữa hai nước trong các lĩnh vực khoa học trái đất và môi trường, kỹ thuật môi trường, khai thác mỏ, khoa học sinh học năng lượng và khảo cổ học. Mục tiêu lâu dài là thành lập Trung tâm nghiên cứu Nhiệt đới Việt Nam – Ba Lan ở Việt Nam.
Thông tin về những nội dung của hội nghị, ông Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết hội nghị có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khoa học địa chất và các liên ngành khác sẽ mang đến những kết quả nghiên cứu đa dạng và phong phú từ các lĩnh vực khác nhau của khoa học địa chất và các khoa học liên ngành. Hai bên sẽ cùng trao đổi, thảo luận về các nghiên cứu tiên tiến, công nghệ mới và những ứng dụng của khoa học địa chất và từ đó đưa các các đề xuất các giải pháp ứng dụng hiệu quả của khoa học địa chất trong cuộc sống thực tiễn hàng ngày.
Lãnh đạo Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cũng nhắc đến tầm quan trọng của sự hợp tác và giao lưu trong cộng đồng khoa học địa chất. Hội nghị không chỉ là nơi đề trình bày nghiên cứu của khoa học địa chất mà còn là cơ hội để kết nối, tạo ra cơ sở hạ tầng cho những dự án nghiên cứu khoa địa địa chất tương lai và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành khoa học địa chất.
Chương trình hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 6-7/11 và tham quan khảo sát thực địa trong hai ngày 8-9/11 với nhiều nội dung hấp dẫn. Cũng trong ngày 6/11, bên cạnh chương trình hội nghị, đã diễn ra Triển lãm ảnh “Ngược dòng cát bụi thời gian” do Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội tổ chức.