Tiềm năng khai thác năng lượng phi truyền thống trong xu hướng phát triển bền vững

151

 Sáng 26/4 tại Hà Nội, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phối hợp với Công ty TNHH Dịch vụ triển lãm SES Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tiềm năng và hướng phát triển khai thác năng lượng phi truyền thống ở Việt Nam”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về Công nghiệp Khai thác, Khôi phục tài nguyên khoáng sản và Xây dựng (Mining Vietnam) 2024.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trịnh Hải Sơn – Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết: Bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính đang là một vấn đề quan trọng cấp thiết đối với sự phát triển của nhân loại. Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu là sử dụng quá mức các nguồn năng lượng hóa thạch như than, dầu, khí đốt…

Ở Việt Nam, ngành năng lượng chiếm hơn 80% tổng phát thải khí nhà kính. Tính đến cuối năm 2023, năng lượng tái tạo mới chỉ chiếm tỷ trọng gần 27% trong tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống. Đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà chính phủ đã cam kết với cộng đồng quốc tế chắc chắn là một thách thức không nhỏ.

_mg_4168.jpg
Ông Trịnh Hải Sơn – Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phát biểu khai mạc hội thảo

“Vì vậy, phát triển các nguồn năng lượng phi truyền thống là một giải pháp rất quan trọng, đồng thời cũng góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Hội thảo hôm nay sẽ tập trung vào hai dạng năng lượng chính: khí hóa than ngầm và năng lượng địa nhiệt, bao gồm cả năng lượng truyền thống và phi truyền thống nhằm giới thiệu được tiềm năng và phác thảo lộ trình khai thác năng lượng phi truyền thống phù hợp trong bối cảnh xu hướng phát triển bền vững đang “lên ngôi”, Viện trưởng Trịnh Hải Sơn nhấn mạnh.

_mg_4195.jpg
Giáo sư Trần Nghi, Chủ tịch Hội trầm tích Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Chia sẻ về tiềm năng than nâu và khả năng khí hoá than ngầm cho Đồng bằng châu thổ Sông Hồng, ông Phan Đức Lễ, chuyên viên Tạp chí Địa chất và Khoáng sản, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết: Bể than Sông Hồng có các vỉa than có điều kiện địa chất, địa chất công trình, địa chất thủy văn và đặc tính hóa lý phù hợp với khí hóa than ngầm tầng sâu. Các tính toán sơ bộ ban đầu cho thấy, lượng khí có thể sản sinh ra tương đương với một mỏ khí lớn, có tính khả thi về mặt kinh tế và kỹ thuật.

_mg_4211.jpg
Ông Phan Đức Lễ, chuyên viên Tạp chí Địa chất và Khoáng sản, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phát biểu tại hội thảo

Ông Phan Đức Lễ nhận định: “Đây là một hướng nghiên cứu mới có ý nghĩa thực tiễn cao, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam trong tương lai khi mà sản lượng khai thác dầu khí và than truyền thống đang suy giảm. Nếu thành công sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên năng lượng, nhất là đối với các bể than sâu và nằm ở các vùng trọng điểm kinh tế không thể khai thác bằng các phương pháp truyền thống”.

Ông Lễ kiến nghị cần tiến hành khai thác thử nghiệm để thu thập thêm các thông số kỹ thuật trước khi đi vào khai thác công nghiệp. Vị trí khai thác thử nghiệm nên đặt bên ngoài đê biển để đảm bảo an toàn về mặt môi trường; đánh giá triển vọng tài nguyên các vỉa than từ 1.000 -1.500m. Ngoài ra, giai đoạn thử nghiệm và khai thác công nghiệp nên được thực hiện với sự tham gia của nhiều tổ chức và cá nhân nhằm đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư.

Trao đổi về nguồn tài nguyên địa nhiệt Hưng Hà – Quỳnh Phụ (Thái Bình), ông Trần Trọng Thắng, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng cần nghiên cứu tiếp về phát triển năng lượng địa nhiệt khu vực đồng bằng sông Hồng nói riêng và trên phạm vi toàn quốc nói chung. Bên cạnh đó, bồn địa nhiệt Hưng Hà – Quỳnh Phụ trong tầng chứa nước Pleistocen có tiềm năng lớn cung cấp nước nóng cho các ứng dụng trực tiếp và các ứng dụng hiện tại của người dân nên cần được phát triển với quy mô lớn hơn.

_mg_4213.jpg
                                      Quang cảnh hội thảo

Đánh giá tiềm năng lắp đặt hệ thống Bơm địa nhiệt tầng nông ở đồng bằng sông Hồng, ông Trần Trọng Thắng cho biết, nhiệt độ của nước ngầm trong các tầng chứa nước nông (24-27°C) phân bố rộng khắp khu vực nghiên cứu ở độ sâu 10-15m hoặc/và 60-80 m là chỉ số cho thấy tiềm năng khả thi cho việc lắp đặt hệ thống bơm địa nhiệt tầng nông.

Theo ông Thắng, kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy hiệu quả tiết kiệm năng lượng có thể đạt đến 45%. Ông cho rằng ứng dụng công nghệ lắp đặt bơm nhiệt địa nhiệt có thể được triển khai rộng rãi ở vùng đồng bằng sông Hồng.

“Nghiên cứu khí hóa than nâu ở đồng bằng sông Hồng có tính khả thi, tuy nhiên để thực hiện nghiên cứu này, cần có sự hợp tác giữa nước ta với các quốc gia có công nghệ cao, giàu kinh nghiệm để đảm bảo an toàn cho đồng bằng sông Hồng.

Giáo sư Trần Nghi, Chủ tịch Hội trầm tích Việt Nam

Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/tiem-nang-khai-thac-nang-luong-phi-truyen-thong-trong-xu-huong-phat-trien-ben-vung-373523.html

Bài trướcThông báo về việc tổ chức Hội thảo “Tiềm năng và hướng phát triển khai thác năng lượng phi truyền thống ở Việt Nam”
Bài tiếp theoQuyết định về việc thu học phí đào tạo trình độ Tiến sĩ