Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản: Nghiên cứu để góp phần đắc lực cho công tác quản lý ngành Tài nguyên và Môi trường

181

Luôn phải nỗ lực để tiếp tục phát huy thế mạnh về công tác nghiên cứu, tham gia các đề tài, dự án, đề án của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đề xuất quản lý hoạt động điều tra, quan trắc, cảnh báo tai biến địa chất, môi trường địa chất, di sản địa chất, công viên địa chất; điều tra, đánh giá khả năng lưu trữ an toàn chất thải phóng xạ, CO2 và các chất độc hại phóng xạ cũng như thế mạnh trong hợp tác với các địa phương, các đối tác truyền thống về bảo tồn các di sản địa chất và phát triển công viên địa chất, từ đó chủ động nghiên cứu và đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường để Viện có thêm các đề tài nghiên cứu về địa chất và khoáng sản và các dự án chuyên môn trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, không phát thải ròng trong thời gian tới – Đó là chia sẻ của Viện trưởng Trịnh Hải Sơn – Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản với phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường:

Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phát huy thế mạnh về nghiên cứu góp phần đắc lực cho công tác quản lý ngành Tài nguyên và Môi trường

Viện trưởng Trịnh Hải Sơn

PV: Xin Viện trưởng cho biết đôi nét về nhiệm vụ đặc thù của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản?

Viện trưởng Trịnh Hải Sơn:

Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản được thành lập năm 1965, là đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập trực thuộc Bộ TN&MT, có chức năng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về địa chất, khoáng sản, tài nguyên địa chất, tài nguyên nước dưới đất, di sản địa chất và công viên địa chất, địa chất biển, địa chất môi trường, tai biến địa chất, địa chất đô thị, địa chất y học, địa chất công trình và địa kỹ thuật (gọi chung là địa chất và khoáng sản); đào tạo trình độ tiến sỹ về địa chất và khoáng sản theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ của Viện là nghiên cứu các vấn đề chiến lược, quy hoạch và phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản; thực hiện các chương trình, đề tài, đề án nghiên cứu cơ bản và điều tra cơ bản trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản, tài nguyên địa chất, tài nguyên nước dưới đất, địa chất biển, địa chất môi trường, địa chất đô thị, địa chất y tế, địa chất karst, địa kỹ thuật địa chất, di sản địa chất, địa nhiệt, địa chất kinh tế và nguyên liệu khoáng sản.

PV: Trên chặng đường hành trình của mình, đóng góp vào sự thành công ấy có sự đóng góp tích cực của công tác nghiên cứu khoa học. Nhìn lại chặng đường năm 2023, Viện đã đạt được những kết quả gì thưa Viện trưởng?

Viện trưởng Trịnh Hải Sơn:

Năm 2023, Viện đang triển khai thực hiện 04 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ Tài nguyên và Môi trường về nghiên cứu khoáng sản, kiến tạo, địa hóa, cổ khí hậu, di sản địa chất,…bao gồm: “Nghiên cứu tiến hóa magma-kiến tạo các thành tạo granitoid tuổi Permi-Trias bắc đai tạo núi Trường Sơn và tiềm năng sinh khoáng nội sinh”; “Nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng quy định kỹ thuật thành lập bản đồ phông địa hóa theo hướng dẫn của Liên hiệp địa chất Quốc tế”; “Nghiên cứu nguồn gốc, điều kiện hình thành và quy luật phân bố tài nguyên Liti ở Việt Nam”; và “Nghiên cứu điều kiện cổ khí hậu, cổ môi trường trầm tích Cambri tại một số di sản địa chất đặc trưng Bắc Việt Nam”.

Viện đã hoàn thành nhiều công việc thuộc 02 đề án chuyên môn về điều tra khoáng sản ẩn sâu và tai biến địa chất vùng karst bao gồm: “Lập bản đồ sinh khoáng và dự báo khoáng sản ẩn sâu khu vực Đông Bắc Bắc Bộ tỷ lệ 1:250.000”; “Điều tra, đánh giá đặc điểm karst ngầm nhằm phục vụ quản lý, quy hoạch phát triển dân cư vùng Đông Bắc Việt Nam”.

Viện thực hiện được khối lượng lớn công việc của đề án Chính phủ về tiềm năng địa nhiệt và nước khoáng nóng “Điều tra, đánh giá địa nhiệt và các nguồn nước khoáng nóng vùng Tây Bắc” (thuộc Đề án Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội). Đồng thời, hoàn thành phần việc thuộc dự án Chính phủ về “Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi”.

Ngoài ra Viện đã hoàn thiện các thuyết minh các đề án về “Điều tra cơ bản và đánh giá tài nguyên vị thế, kỳ quan sinh thái và địa chất (đặc biệt chú trọng đến di sản địa chất và công viên địa chất) vùng biển đảo Việt Nam, phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển, an ninh quốc phòng” và “Điều tra khảo sát, xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp chống sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

PV: Được biết, thời gian qua Viện đã có các hoạt động hợp tác quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực nhằm mục đích phục vụ tốt hơn công tác nghiên cứu khoa học về Địa chất và Khoáng sản của mình, vậy Viện đã có những hợp tác cụ thể như thế nào thưa Viện trưởng?

Viện trưởng Trịnh Hải Sơn:

Nhắc lại một chút công việc năm 2023, các hoạt động hợp tác quốc tế của Viện diễn ra sôi nổi, hiệu quả và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Viện. Viện tiếp tục duy trì quan hệ đối tác với các tổ chức như Quỹ Nghiên cứu và Đổi mới Vương quốc Anh (UKRI), Hội đồng liên trường Đại học Flemish, Vương quốc Bỉ (VLIR-UOS), Cục Bảo tồn Đất và Nước Đài Loan (TQ), Trung tâm Nghiên cứu GIS thuộc Đại học Fengchia, Đài Loan (TQ), Đại học Khoa học và Công nghệ Ufa, Liên bang Nga, Đại học Vác Sa Va, Ba Lan, Viện Địa chất Ba Lan, Trung tâm Khoáng hóa hàng đầu carbon, Hàn Quốc…

Bên cạnh đó, Viện đã có những trao đổi, xây dựng đề xuất với một số đối tác mới như: Đại học Trung ương, Đài Loan (TQ), Công ty ATK Nhật Bản về lĩnh vực địa nhiệt, Viện Cổ sinh học và Viện Khoa học Địa chất thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan, Hiệp hội hang động Quốc gia Mỹ.

Về đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, Viện luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện cho cán bộ viên chức được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ góp phần phục vụ tốt nhất cho công cuộc phát triển và đổi mới của Viện nói riêng và của ngành Địa chất nói chung.

Về đào tạo sau đại học, Viện đã tổ chức các hoạt động đào tạo trình độ tiến sỹ cho nghiên cứu sinh như: Tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ xét tuyển nghiên cứu sinh năm 2023 theo quy định; tổ chức họp Hội đồng đánh giá tiểu luận tổng quan luận án tiến sỹ cho các nghiên cứu sinh khóa 2022-2023 và các Hội đồng đánh giá chuyên đề tiến sỹ cho các nghiên cứu sinh khóa 2021-2024; tổ chức đào tạo 2 học phần ở trình độ tiến sỹ, tổ chức 1 Hội thảo khoa học luận án tiến sỹ, hoàn thành hồ sơ phản biện độc lập và thành lập 1 Hội đồng đánh giá luận án tiến sỹ cấp Viện theo quy định.

PV: Thưa Viện trưởng, đến thời điểm hiện tại dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản chuẩn bị được trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến. Với nhiệm vụ này, trong thời gian qua, công tác nghiên cứu của Viện đã góp phần như thế nào vào hành trình sửa đổi dự thảo Luật này?

Viện chúng tôi có một viên chức là thành viên của Ban soạn thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, và một viên chức là thành viên của Tổ biên tập Luật Địa chất và Khoáng sản. Năm 2022, Viện đã chủ trì thực hiện một số đề tài về: “Nghiên cứu, đề xuất định hướng phát triển ngành địa chất trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với phát triển bền vững”; “Nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất quy định quản lý hoạt động điều tra, quan trắc, cảnh báo địa chất tai biến, địa chất môi trường”; “Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về công tác điều tra, đánh gia và quản lý di sản địa chất, công viên địa chất”.

Các kết quả của các đề tài nêu trên đã được tham khảo lồng ghép vào dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản như: Tài nguyên địa chất, tài nguyên địa nhiệt, cấu trúc địa chất tàng trữ, di sản địa chất, tai biến địa chất, điều tra khoanh định định lập bản đồ sản địa chất, điều tra địa chất môi trường, tai biến địa chất, lập bản đồ phân bố các cấu trúc tàng trữ; đánh giá đặc điểm địa chất, điều kiện địa chất và khả năng tàng trữ của các cấu trúc địa chất để khoanh định các cấu trúc thuận lợi có thể sử dụng lưu trữ các chất không có bể chứa, chôn lấp chất thải, CO2, bổ cập nước dưới đất, lưu giữ năng lượng địa chất và các công dụng khác; hợp tác quốc tế về địa chất,..

PV: Để tiếp tục nỗ lực triển khai nhiệm vụ chuyên môn, tăng cường năng lực nghiên cứu, năm 2024 Viện đang tập trung vào những vấn đề gì thưa Viện trưởng?

Viện trưởng Trịnh Hải Sơn:

Trong năm 2024, Viện tiếp tục triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ, dự án hợp tác quốc tế, nhiệm vụ chuyên môn chuyển giao từ năm 2023; tập trung nhân lực, trí tuệ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị hoàn thành các nhiệm vụ.

Viện đang phối hợp chặt chẽ với Cục Địa chất Việt Nam, Cục Khoáng sản Việt Nam và các đơn vị trực thuộc Bộ xây dựng, triển khai các nhiệm vụ chuyên môn, tăng cường năng lực nghiên cứu.

Viện hợp tác nghiên cứu với các địa phương, phục vụ các chương trình trọng điểm của Nhà nước, nghiên cứu khoa học và triển khai khoa học công nghệ về địa chất và khoáng sản, cung cấp nguyên liệu khoáng phục vụ các doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các đơn vị, tổ chức, trường đại học nước ngoài trong các lĩnh vực nghiên cứu đang triển khai với mục tiêu nâng cao chất lượng khoa học, mở ra những hướng nghiên cứu mới trong tương lai, đào tạo cán bộ khoa học.

Viện tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ viên chức; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bảo đảm cơ chế tài chính thông thoáng, khuyến khích cán bộ viên chức nhiệt tình tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, tham gia học tập nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo, quản lý; xây dựng môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp, đoàn kết, hiệu quả…

Phát huy thế mạnh về công tác nghiên cứu khoa học về địa chất và khoáng sản, Viện tiếp tục thực hiện các đề án, dự án nhiệm vụ chuyên môn về sập sụt ngầm karst vùng Đông Bắc, khoáng sản ẩn sâu vùng Đông Bắc, địa nhiệt và nước khoáng nóng vùng Tây Bắc; Tham gia các dự án, đề án lớn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và của Chính phủ về: Điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược (đất hiếm) trên lãnh thổ Việt Nam (phần đất liền) và thăm dò một số diện tích có triển vọng; Cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi trung du Việt Nam; Điều tra, đánh giá tiềm năng cát, cuội, sỏi lòng sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển bền vững kinh tế – xã hội.

Năm 2024, Viện sẽ chủ trì thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn về: (1) Điều tra, đánh giá khả năng lưu trữ an toàn chất thải phóng xạ, CO2 và các chất thải độc hại trong các cấu trúc địa chất sâu phù hợp trên lãnh thổ Việt Nam – Giai đoạn I khu vực Đông Bắc Bộ; (2) Điều tra bổ sung, cập nhật và hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu địa chất đô thị tỷ lệ 1:25.000 phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội các thành phố trực thuộc trung ương.

Viện sẽ phát huy thế mạnh về nghiên cứu hang động đá vôi, bảo tồn cảnh quan đá vôi, bảo tồn di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất toàn cầu, tai biến địa chất, khoáng sản chiến lược, quan trọng,… với các địa phương, các đối tác truyền thống trong và ngoài nước để từ đó chủ động nghiên cứu và đề xuất với Bộ để Viện có thêm các công việc trong thời gian tới.

PV: Trân trọng cảm ơn Viện trưởng!

Nguồn: https://tainguyenvamoitruong.vn/vien-khoa-hoc-dia-chat-va-khoang-san-nghien-cuu-de-gop-phan-dac-luc-cho-cong-tac-quan-ly-nganh-tai-nguyen-va-moi-truong-cid115473.html

Bài trướcQuan tâm nghiên cứu, đầu tư thiết bị cảnh báo sớm thiên tai
Bài tiếp theoThông báo buổi Bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS Nguyễn Thị Thanh Thảo