Cao Bằng – nhịp cầu kết nối tài nguyên di sản và điểm hẹn văn hóa di sản công viên địa chất

45

Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất châu Á- Thái Bình Dương năm 2024 (APGN-8) được tổ chức tại Cao Bằng, từ 12 đến 15-9-2024, với sự quy tụ của hơn 600 đại biểu khách quý trong nước và quốc tế, thắp lên tình đoàn kết, chia sẻ, hợp tác, kết nối tài nguyên di sản công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu và văn hóa di sản độc đáo giữa các quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam khẳng định: APGN-8 là ngày hội của các địa phương, quốc gia đang sở hữu danh hiệu UNESCO và cũng là cơ hội để các nhà nghiên cứu, quản lý, học giả từ khắp nơi trên thế giới gặp gỡ, kết nối, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hay, sáng tạo không ngừng phát huy vai trò CVĐC toàn cầu UNESCO trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Diễn đàn phát triển bền vững

“Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng Công viên địa chất” là chủ đề tâm điểm của Hội nghị năm nay, do đó, các đại biểu đặc biệt quan tâm tới các tham luận đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững và bảo tồn di sản CVĐC dựa vào cộng đồng.

Bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiên phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị APGN-8: “Trước thềm diễn ra Hội nghị, chúng ta đã chứng kiến Cao Bằng và nhiều tỉnh phía Bắc Việt Nam đã bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của cơn bão số 3 dưới tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy, nhiệm vụ CVĐC cùng với phát triển bền vững phải cấp thiết xây dựng chương trình hành động về thích ứng biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu tại nạn, rủi ro, thiệt hại để bảo vệ trái đất và nhân loại”.

Riêng với phần thảo luận, Hội nghị chia thành 6 hội thảo khoa học tương ứng 6 nhóm chủ đề về

các giải pháp phát triển bền vững gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học…, thu hút hơn 100 nhà khoa học, nhà quản lý tham gia, đưa ra nhiều định hướng, chiến lược giá trị phát triển mô hình CVĐC.

Bà Sarah Gamble, thành viên Ban Quản lý Mạng lưới CVĐC toàn cầu Canada cho biết: “Tôi chọn phiên hội thảo về điều tra, đánh giá, bảo tồn và phát huy bền vững giá trị các loại hình di sản với những tham luận của các chuyên gia đề cập đến phương pháp điều tra thực trạng di sản CVĐC để góp phần đánh giá đúng, xây dựng chiến lược quản lý, đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản CVĐC”.

Bà Đỗ Thị Yến Ngọc (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản) chia sẻ báo cáo tham luận về “Tri thức bản địa dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn và sự tham gia của cộng đồng trong phát triển CVĐC”, thu hút nhiều đại biểu tham dự, đặc biệt là các đại biểu đến từ các dân tộc bản địa tại châu Phi, Bắc Mỹ.

Bà Agness Onna Gidna, Ban Quản lý CVĐC toàn cầu Tanzania cho biết: CVĐC của chúng tôi có nhiều bộ tộc, bộ lạc lưu giữ những phong tục tập quán riêng nên các tham luận ở phiên này giúp chúng tôi học hỏi thêm về bảo tồn tri thức bản địa của dân tộc thiểu số trong phát triển CVĐC.

Đa sắc màu văn hóa di sản CVĐC

APGN-8 cũng được xem là điểm hẹn văn hóa di sản CVĐC đặc sắc bởi mỗi đoàn đại biểu tham dự lại mang theo bản sắc văn hóa độc đáo riêng từng quốc gia đến giới thiệu, quảng bá.

Riêng Cao Bằng có hơn 20 gian hàng CVĐC giới thiệu sản phẩm thủ công làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, làm hương thơm, giấy bản, ngói máng và giới thiệu nhiều sản phẩm OCOP. Trong đó, không gian sắc màu thổ cẩm Cao Bằng với nhiều sản phẩm túi xách, khăn, thảm treo tường, trang phục thiết kế tinh tế đã thu hút đông đảo đại biểu đến tham quan và nghe giới thiệu.

Chị Luna, nhà thiết kế thời trang Tây Ban Nha hào hứng cho biết: “Hơn 10 năm qua, sức cuốn hút của thổ cẩm Việt Nam đã thôi thúc tôi thiết kế và tổ chức sự kiện thời trang thổ cẩm tại các nước châu Âu và Việt Nam thành công. Tại Hội nghị này, tôi cũng thiết kế nhiều áo, váy, khăn từ thổ cẩm Cao Bằng, Hà Giang và đã được nhiều khách châu Âu, Bắc Mỹ đến mua”.

Sản phẩm OCOP của Cao Bằng như trà Kolia, hạt dẻ, rượu hạt dẻ, bánh chưng, bánh khảo, xôi ngũ sắc, gạo nếp ong, nếp hương… được bạn bè đến trải nghiệm đều khen ngon. Chị Ranoria, CVĐC toàn cầu Korat, Thái Lan cho biết: “Tôi uống thử chè hữu cơ Kolia thấy hương vị chất lượng rất ngon nên đã mua 200 túi về để làm quà và giới thiệu cho các đại lý tại Thái Lan“.

Chia sẻ về sự hấp dẫn từ ẩm thực Cao Bằng, anh Paul (Ban Quản lý CVĐC Nannup Regional Geopack, Australia) hào hứng cho biết: “Tôi mới đến Cao Bằng, tuy chưa được đi trải nghiệm nhưng vô cùng ấn tượng về món ngon như xôi thơm dẻo nhiều màu sắc, thịt lợn quay, vịt quay, thịt bò sốt tiêu đen… như là chìa khóa để chúng tôi tò mò và đăng ký đi trải nghiệm vùng đất có nhiều thắng cảnh đẹp mà bà con nông dân đã trồng những hạt gạo nếp thơm ngon trên vùng đất này”.

Ông Sigit Tri Prabowo, đại biểu Inddonesia rất ấn tượng với văn hóa Cao Bằng: “Trước đây, tôi có biết hát Then, đàn tính của Việt Nam được UNESCO vinh danh đại diện văn hóa phi vật của nhân loại, đến Cao Bằng được xem các bạn trẻ trực tiếp hát mộc, tôi vô cùng ấn tượng với làn điệu Then réo rắt, tinh tế, ngọt ngào làm lay động lòng người… khiến tôi thêm yêu mến Cao Bằng nhiều hơn”.

Tiết mục biểu diễn hát Then – đàn tính Cao Bằng (văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO vinh danh) biểu diễn tại Hội nghị, để lại nhiều ấn tượng bạn bè trong nước và quốc tế

Ngoài Cao Bằng, còn các gian hàng CVĐC tỉnh Hà Giang, Đắk Nông, Lạng Sơn giới thiệu sản phẩm quế, hồi, trầm hương, thổ cẩm…

Ông Suk Chen Kang, Trưởng Ban Quản lý các danh hiệu UNESCO quốc Je Ju hào hứng cho biết: “Bước vào gian hàng CVĐC Đắk Nông, tôi được các bạn tiếp đón nồng nhiệt, lấy một vòng tay dệt thổ cẩm tinh tế buộc vào cổ tay tôi và giới thiệu đây là sợi dây tình cảm, được nghe giới thiệu về nghệ thuật thêu dệt của bà con Ê đê sinh sống trên vùng Tây Nguyên đất đỏ bazan – nơi có di sản núi lửa phun trào giống với quốc đảo Je Ju (Hàn Quốc) – nên chúng tôi rết yêu mến Đắc Nông và Cao Bằng – hai địa danh sẽ trở thành điểm đến của chúng tôi”.

Hoạt động trải nghiệm về văn hóa đặc sắc của CVĐC Non nước Cao Bằng không chỉ giúp bạn bè trong nước và quốc tế lưu lại nhiều ấn tượng sâu sắc mà còn mở ra nhịp cầu kết nối CVĐC giữa các quốc gia.

Bạn bè quốc tế hứng thú tìm hiểu gian hàng sản phẩm OCOP của Cao Bằng

Nhịp cầu kết nối, hợp tác du lịch

Bên cạnh việc tổ chức các hội thảo khoa học và không gian trưng bày văn hóa đặc sắc, APGN-8 còn tổ chức các chuyến hành trình trải nghiệm tại Cao Bằng để các đại biểu tìm hiểu thêm về đời sống cộng đồng cùng các giá trị di sản được bảo tồn trong khu vực CVĐC non nước Cao Bằng.

Bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiên phát biểu: Di sản CVĐC Non nước Cao Bằng là báu vật tạo hóa ban tặng với nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, thơ mộng và di sản văn hóa đặc sắc hiếm nơi nào có được. Đặc biệt, tuyến tham quan phía Bắc “Hành trình về với cội nguồn” của CVĐC Non nước Cao Bằng có nhiều giá trị di sản tầm cỡ quốc tế, thu hút nhiều quốc gia có CVĐC ký kết thỏa thuận kết nghĩa CVĐC và du lịch với Cao Bằng.

Giáo sư, Giám đốc Ban Quản lý CVĐC Medungsan, Hàn Quốc phấn khởi: “5 năm trước, tôi đến Cao Bằng để trải nghiệm tuyến phía Đông mang chủ đề “Trải nghiệm văn hóa bản địa xứ sở thần tiên” và đã chụp nhiều bức ảnh đẹp về phong cảnh, đời sống bà con dân tộc Tày, Nùng đem về Hàn Quốc giới thiệu, gây ấn tượng cho giới trẻ Hàn Quốc tìm đến địa chỉ những bức ảnh tôi chụp ảnh tại Cao Bằng. Khi trở về, các bạn nói với tôi rằng nếu trong đời không đến được Cao Bằng thì sẽ tiếc vì cảnh thật đẹp hơn trong ảnh. Hôm nay, tôi trở lại Cao Bằng với tâm thế xúc tiến ký kết nghĩa với CVĐC Non nước Cao Bằng để hai bên cùng kết nối, chia sẻ kinh nghiệm vận hành CĐVC phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển du lịch”.

Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa- Thể thao và du lịch Cao Bằng và Giám đốc Ban Quản lý CVĐC Medungsan, Hàn Quốc ký kết kết nghĩa trao đổi kinh nghiệm, kết nối du lịch CVĐC

Đáng chú ý là ngoài CVĐC Medungsan (Hàn Quốc) ký kết nghĩa với CVĐC Non nước Cao Bằng còn có thêm 3 CVĐC khác cùng ký kết nghĩa, gồm: CVĐC toàn cầu Lạc Nghiệp – Phượng Sơn (Trung Quốc); VDDC toàn cầu Khorat (Thái Lan); CVĐC toàn cầu Haute Provence (Pháp).

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, CVĐC toàn cầu Đắk Nông đã ký kết nghĩa với CVĐC toàn cầu đảo Je Ju (Hàn Quốc) và CVĐC toàn cầu Yangan-Tau (Nga). Một số CVĐC của Trung Quốc và CVĐC của Malaisia đã trao đổi kết nghĩa học hỏi kinh nghiệm, kết nối phát triển du lịch…

Giáo sư, Giám đốc Ban Quản lý CVĐC Medungsan, Hàn Quốc khẳng định: Hội nghị APGN-8 là nhịp cầu, cơ hội cho CVĐC chúng tôi cụ thể hóa nhiệm vụ của Chính phủ Hàn Quốc đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội với Chính phủ Việt Nam. Nhiều công ty của Hàn Quốc đã có dự án đầu tư lớn vào Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đang tiếp tục mở hướng đến Cao Bằng hứa hẹn Cao Bằng là điểm đến mới đầy triển vọng trong thời gian tới.

Từ Hội nghị APGN- 8, Cao Bằng vinh dự là điểm đến của các nước CVĐC toàn cầu UNESCO nhằm trao đổi, kết nghĩa học hỏi kinh nghiệm, kết nối du lịch…, góp phần tô thêm tình đoàn kết giữa các quốc gia cùng gìn giữ di sản của trái đất với màu xanh, bình yên và hạnh phúc cho nhân loại.

Nguồn:Cao Bằng – nhịp cầu kết nối tài nguyên di sản và điểm hẹn văn hóa di sản công viên địa chất – Báo Bình Phước (baomoi.com)

Bài trướcBản tin kinh tế địa chất nguyên liệu khoáng tháng 9 năm 2024
Bài tiếp theoLuận án Tiến sĩ:”Đặc điểm tính chuyên hóa sinh khoáng và mức độ bóc mòn Granitoid khối Ngọc Tụ, Kon Tum”