Sử dụng bản đồ cảnh báo trượt lở đất, đá: Cần cán bộ chuyên trách

17

Áp dụng công nghệ phù hợp

TS. Lê Quốc Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Chủ nhiệm Đề án cho biết, hầu hết các vùng miền núi Việt Nam, nguồn dữ liệu không gian, bao gồm các dữ liệu quá khứ về hiện trạng TLĐĐ và các yếu tố thành phần – nguyên nhân gây trượt, thường là rất thiếu, hoặc không đồng nhất về tỷ lệ, lưới chiếu, cấu trúc dữ liệu, kiểu thuộc tính… nên rất khó lựa chọn phương pháp tiên tiến trên thế giới để áp dụng.

Để khắc phục tình trạng này, đối với công tác điều tra hiện trạng, Đề án áp dụng công tác giải đoán ảnh máy bay và các ảnh vệ tinh độ phân giải cao, kết hợp công tác phân tích địa hình trên mô hình lập thể số tỷ lệ 1:10.000 để khôi phục lại hiện trạng các khối trượt xảy ra trong quá khứ. Đồng thời, vẫn áp dụng công tác điều tra địa chất truyền thống, khảo sát thực địa, điều tra cộng đồng để đo đạc hiện trường, thu thập thông tin lịch sử về các sự cố trượt lở đã xảy ra trong từng khu vực và kiểm chứng các kết quả giải đoán ảnh.

TS. Lê Quốc Hùng cũng cho biết, hiện nay, Đề án đã tự xây dựng được một hệ thống bản đồ trực tuyến (hay còn gọi là hệ thống WebGIS) từ các phần mềm mã nguồn mở nhằm phổ biến, chia sẻ các kết quả của Đề án một cách nhanh nhất đến các đối tượng người sử dụng, đồng thời, thu thập và bổ sung các thông tin hiện trạng trượt lở đất đá từ các cấp chính quyền và người dân địa phương.

Đối với các công tác lập các bản đồ phân vùng cảnh báo (nguy cơ, tần suất trượt, các mức độ tổn thương và rủi ro), trên cơ sở các dữ liệu hiện có và khả năng thu thập và xây dựng các dữ liệu mới của Đề án, đã lựa chọn phương pháp đánh giá đa tiêu chí không gian làm phương pháp chính để áp dụng có điều chỉnh một cách thống nhất trong toàn Đề án. Đối với các khu vực đặc biệt, có địa hình cao, độ dốc từ trung bình đến cao và chiều dài sườn lớn, Đề án có sử dụng một số phần mềm mã nguồn mở do các chuyên gia quốc tế hỗ trợ để phân vùng dự báo và cảnh báo các khu vực có nguy cơ chịu tác động của sự lan truyền (di chuyển) vật liệu trượt.

 

Làm thế nào để địa phương áp dụng hiệu quả?

Lần đầu tiên, 14 tỉnh miền núi phía Bắc đã có thể biết trước nguy cơ trượt lở đất đá tại địa phương mình nhờ bộ bản đồ do Bộ TN&MT xây dựng. Tuy nhiên, đây là hệ thống bản đồ mới nên có thể khó khăn cho người sử dụng ban đầu. TS. Lê Quốc Hùng chia sẻ, để sử dụng hệ thống bản đồ này vào thực tế cuộc sống rất cần Bộ TN&MT cùng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chỉ đạo các địa phương phối hợp với Viện triển khai các đợt tập huấn cho các chuyên viên được giao trực tiếp quản lý và sử dụng bộ sản phẩm của Đề án, và các cán bộ nòng cốt trong các cộng đồng dân cư. Các cán bộ kỹ thuật của Đề án sẽ trực tiếp hướng dẫn cho các chuyên viên thuộc các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, sau đó, các chuyên viên này tiếp tục truyền tải các thông tin, hướng dẫn cho các cán bộ, chuyên viên của các đơn vị trực thuộc cũng như tới các cộng đồng dân cư địa phương.

Cũng theo ông Hùng, để vận hành, duy trì, quản lý và sử dụng hiệu quả bộ bản đồ này, các địa phương cấp tỉnh cần thông qua Bộ TN&MT và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai để cùng Viện KH ĐC&KS thống nhất cơ chế quản lý sử dụng sản phẩm của Đề án, bao gồm cả máy móc, nhân lực và tài chính. Địa phương mỗi cấp (tỉnh, huyện, xã) cần thành lập một bộ phận chuyên trách để theo dõi tình hình trượt lở đất đá ở địa phương; vận hành, duy trì, quản lý và sử dụng hiệu quả bộ bản đồ hiện trạng và cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá.

Phạm Thu Hà (Bộ TN&MT)

Bài trướcViệt Nam mong muốn UN Environment đồng hành trong việc phát triển, bảo vệ TN&MT
Bài tiếp theoCông viên Địa chất toàn cầu – Mô hình phát triển KT – XH bảo vệ môi trường