Hội nghị thường niên Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất Toàn cầu Việt Nam

45

Hội nghị thường niên Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất Toàn cầu Việt Nam

Sáng ngày 27/5/2022 tại Hội trường Khu Du lịch sinh thái Kolia, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất Toàn cầu Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị thường niên Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất Toàn cầu Việt Nam.

 

Ông Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện khoa học Địa chất và khoáng sản, Trưởng Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất Toàn cầu Việt Nam (CVĐC TC VN) chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có ông Phạm Vinh Quang, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao; Ông Guy Martini, cố vấn cao cấp, Chủ tịch Hội đồng CVĐC TC UNESCO; Ông Trương Thế Vinh, Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Cao Bằng; Cùng Đại diện và đại biểu của Tiểu ban chuyên môn về CVĐC TC VN), của các Ban Quản lý (BQL) CVĐC TC UNESCO: Non nước Cao Bằng, Cao nguyên đá Đồng Văn, Đắk Nông và đại diện BQL CVĐC Lạng Sơn.

Ông Trịnh Hải Sơn phát biểu khai mạc hội nghị

Tiểu ban chuyên môn về CVĐC TC VN đã tiến hành tổng kết báo cáo hoạt động chuyên môn, lắng nghe những chia sẻ về cơ chế hoạt động của các BQL (cơ cấu, tổ chức, con người, mô hình) để từ đó đề ra Kế hoạch hoạt động của Tiểu ban chuyên môn về CVĐC TC VN Việt Nam năm 2023.

Tiểu ban chuyên môn báo cáo hoạt động CVĐC TC VN và kế hoạch hoạt động năm 2023

Tham luận trong Hội nghị, BQL CVĐC TC UNESCO Non nước Cao Bằng cho rằng cơ cấu bộ máy BQL CVĐC TC UNESCO cần có tổ chức hợp lý hơn về cấp quản lý nhà nước để hoạt động hiệu quả hơn; cần quan tâm đến vai trò của người dân bản địa về bảo vệ, phát huy giá trị di sản theo hướng phát triển du lịch cộng đồng bền vững, cần cập nhật tiến độ triển khai các hoạt động các CVĐC theo định kỳ để nắm được tình hình hoạt động từng CVĐC để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đề xuất mới. Đồng thời BQL CVĐC TC UNESCO Non nước Cao Bằng đang đề xuất xây dựng hồ sơ đăng cai Hội nghị quốc tế mạng lưới CVĐC TC UNESCO khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APGN) lần thứ 8, năm 2024.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, các BQL CVĐC TC UNESCO Non nước Cao Bằng và Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang, Đắk Nông và BQL CVĐC Lạng Sơn đã thẳng thắn chia sẻ những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý và phát triển CVĐC. BQL CVĐC TC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn nêu ra những bất cập hiện nay, đặc biệt là sự phát triển nóng về du lịch trong vùng CVĐC TC UNESCO tiềm ẩn những nguy cơ về phá vỡ giá trị di sản địa chất, cảnh quan và làm giảm sự ảnh hướng đến vai trò của BQL CVĐC TC UNESCO. BQL CVĐV TC UNESCO Đắk Nông trao đổi về những bất cập về cơ cấu bộ máy tổ chức BQL CVĐC TC UNESCO  như nhân sự là kiêm nhiệm ảnh hưởng đến triển khai nhiệm vụ phát triển CVĐC;  chưa xây dựng được cơ chế, quy chế phát triển bền vững, chia sẻ quyền lợi cho người dân trong việc phát triển hình thức du lịch cộng đồng (homestay). BQL CVĐC Lạng Sơn giới thiệu các hoạt động xây dựng quy hoạch điểm di sản; xây dựng các đề tài khoa học bảo vệ giá trị di sản vật thể, phi vật thể tại vùng di sản CVĐV; xây dựng kế hoạch tuyên truyền giáo dục cho nhiều đối tượng học sinh, sinh viên, thanh niên trong vùng CVĐC; phát huy vai trò của người dân trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản CVĐV theo hướng phát triển du lịch bền vững; xây dựng hạ tầng bảo vệ, thông tin về các điểm di sản CVĐV; tham gia các chương trình hoạt động của mạng lưới CVĐV TC UNESCO; mời chuyên gia tư vấn xây dựng, đánh giá hoàn thiện hồ sơ CVĐV Lạng Sơn để trình Mạng lưới CVĐC TC UNESCO công nhận CVĐC Lạng Sơn là CVĐC TC UNESCO.

Ông Guy Martini giới thiệu thêm về mục tiêu phát triển của CVĐC TC UNESCO,  chia sẻ cách thức giải quyết khó khăn trong cơ chế, quản lý CVĐC của CVĐC TC UNESCO Haute Provence, Pháp.

Ông Phạm Vinh Quang, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, thống nhất các ý kiến tham luận về tình hình xây dựng và phát triển của các CVĐC TC UNESCO trong thời gian qua và đề xuất những giải pháp cũng như những nhiệm vụ của các BQL CVĐC TC UNESCO trong thời gian tới như: định hướng phát triển các CVĐC TC UNESCO theo đúng mục tiêu của Mạng lưới CVĐC TC UNESCO; trao đổi chia sẻ các mô hình phát triển CVĐC TC UNESCO trong và ngoài nước và áp dụng điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn của các địa phương.

Ông Trịnh Hải Sơn đã thống nhất các kết quả đạt được của mạng lưới CVĐC TC VN và nêu rõ những nhiệm vụ trong sáu tháng cuối năm 2022 và kế hoạch hoạt động của Tiểu ban chuyên môn về CVĐC TC VN năm 2023. Theo đó, kiến nghị chính quyền các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Đăk Nông v.v điều chỉnh lại tổ chức biên chế, thẩm quyền các BQL CVĐC TC UNESCO; đề xuất với chính quyền các tỉnh xây dựng các Trung tâm nghiên cứu CVĐC; xây dựng các BQL CVĐC TC UNESCO trở thành đơn vị hành chính sự nghiệp tiến tới tự chủ kinh phí hoạt động; triển khai kế hoạch xây dựng và hướng dẫn viên du lịch ảo về CVĐC; xây dựng các nghiên cứu khoa học về di sản địa chất và CVĐC đã được UNESCO đưa vào một trong sáu hướng nghiên cứu; xây dựng quy chế bảo vệ, gìn giữ giá trị di sản địa chất, văn hóa bản địa; chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình hiệu quả về hoạt động CVĐC gắn với phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ tài nguyên môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo sinh kế cho người dân theo hướng phát triển du lịch bền vững và 10 mục tiêu phát triển bền vững trong vùng CVĐC TC UNESCO.

Ông Phạm Vinh Quang phát biểu tại hội nghị

Nhân dịp này, các BQL CVĐC TC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, Cao Bằng và CVĐC Lạng Sơn đã ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các CVĐC. Đồng thời  cờ luân phiên đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên Tiểu ban chuyên môn về CVĐC TC VN năm 2023 được trao cho CVĐC Lạng Sơn.

Các BQL CVĐC ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các CVĐC

Trao cờ luân phiên đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên Tiểu ban chuyên môn về CVĐC TC VN cho CVĐC Lạng Sơn

Bài trướcDự thảo các nội dung hoạt động đại hội quốc tế về hang động ở Pháp
Bài tiếp theoĐại hội đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản nhiệm kì 2022-2027